41. Hô lô hô lô ma ra
Hô lô hô lô ma ra. Hán dịch là “Tác pháp như ý”. Cũng dịch là “Tác pháp mạc ly ngã”.
Đây là Kim trọc ngọc hoàn thủ nhãn ấn pháp. Trong bốn mươi hai ấn pháp, khi hành giả hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp này được gọi là “tác pháp”. “Như ý” nghĩa là tùy theo tâm nguyện đều được như ý. Khi hành giả tu tập thành tựu ấn pháp này rồi, thì mọi việc đều được như tâm nguyện nên gọi là “Như ý”.
Còn “Tác pháp mạc ly ngã” có nghĩa chính hành giả là người tu tập, không phải người nào khác. Nên khi hành giả tác pháp này, thì ấn pháp không rời khỏi hành giả và hành giả không rời khỏi ấn pháp. Pháp và ngã là một. Thế nên chẳng có pháp và cũng chẳng có ngã, pháp chấp và ngã chấp đều không. Đó là ý nghĩa của “Tác pháp mạc ly ngã”.
Hành trì “Kim trọc ngọc hoàn ấn pháp”. Có thể khiến tất cả chúng sanh đều vâng theo sự giáo hóa của hành giả. Dạy họ tu pháp gì, họ đều tu theo pháp môn ấy không sai lệch.
42. Hô lô hô lô hê rị
Hô lô hô lô. Hán dịch là “tác pháp vô niệm” cũng dịch là “tác pháp tự tại”. Trong câu chú Hô lô hô lô ma ra đã giảng ở trước có nghĩa là “tác pháp như ý”, khi tác pháp vẫn còn khởi lên ý niệm. Còn trong câu chú Hô lô hô lô hê rị thì vắng bặt sự khởi niệm khi tác pháp. Nếu khi hành trì ấn pháp này, mà còn khởi niệm tức là còn vọng tưởng. Nếu hành giả không khởi niệm, tức là không còn vọng tưởng nên đạt được khả năng “tác pháp tự tại” và trở thành người có năng lực Quán Tự Tại. Đó chính là vị Bồ tát thường quán sát âm thanh ở thế gian để cứu độ một cách tự tại, Bồ tát Quán Thế Âm.
Câu chú này là Bảo bát thủ nhãn ấn pháp, là ấn pháp thứ ba trong số bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp. Ấn pháp này có công năng giải thoát cho chúng sanh khỏi những tai ương bệnh hoạn.
Các vị xuất gia khi gặp người bệnh, trì chú này vào trong ly nước, cho người bệnh uống thì có thể được khỏi bệnh. Nếu bệnh không lành, thì phải quán sát lại toàn bộ nhân duyên. Nếu gặp duyên lành, khi quý vị uống nước có trì chú Đại Bi thì liền được lành bệnh, là do đã đặt hết niềm tin vào Bồ tát Quá Thế Âm. Nếu không được lành bệnh, có thể là do quý vị thiếu lòng tin nơi Bồ tát.
Sự thực là như vậy, nay tôi sẽ truyền pháp này cho quý vị luôn. Để cho ly nước có trì chú Đại Bi, có được năng lực như vậy, quý vị không cần phải trì tụng toàn văn bài chú này, mà chỉ cần trì tụng câu Hô lô hô lô hê rị năm lần rồi dùng tay kiết ấn ba lần búng vào phía trên ly nước. Rồi trao cho người bệnh uống sẽ được khỏi hẳn. Có khi bệnh không lành, có khi bệnh lành hẳn. Tất cả đều tùy thuộc vào nhân duyên giữa hành giả và người bệnh. Nếu quý vị có nhân duyên sâu dày với người bệnh, thì khi họ uống xong nước có trì chú Đại Bi liền được khỏi bệnh. Còn nếu người bệnh không có duyên với hành giả, thì dù họ có uống nước đã trì chú, nhưng vì họ không có niềm tin ở Bồ tát Quán Thế Âm, thì bệnh họ không được lành hẳn.
Nói chung có vô lượng nhân duyên để tạo thành pháp duyên cơ bản này. Nếu người bệnh đã có công phu hành trì và phát tâm chí thành, khi uống nước có trì chú vào là liền khỏi bệnh. Còn nếu quý vị có tu tập nhưng thiếu lòng chí thành, thiếu sự tin tưởng vào chú Đại Bi thì dù uống nước đã trì chú cũng chẳng ích lợi gì. Còn nếu quý vị có tâm chí thành và dù không tu tập đi nữa, thì khi uống nước đã trì chú cũng có được sự lợi ích. Những người vốn đã tạo nghiệp chướng sâu dày, nếu được uống nước đã trì chú vào thì không đủ tạo nên nặng lực để chuyển hóa bệnh của họ. Còn nếu người có nghiệp nhẹ khi uống nước đã trì chú vào thì có thể phát sinh năng lực to lớn. Đó là năng lực do thường xuyên trì niệm chú Đại Bi, đã tạo ra một năng lực cảm ứng đạo giao. Chính năng lực này đã chữa lành bệnh.
Thế nên bất luận trường hợp nào, có trùng trùng duyên khởi quyết định sự thành công. Đừng nghĩ rằng: “Tôi đã hành trì Bảo bát thủ nhãn ấn pháp, tôi đã trì chú Đại Bi vào trong nước, tại sao chẳng có chút nào hiệu nghiệm?”
Đó chẳng phải là nước trì chú Đại Bi không có hiệu nghiệm. Chỉ vì công phu của quý vị chưa được đắc lực, nên hiệu quả không được bao nhiêu.
Có một số phái ngoại đạo cũng dùng pháp trì chú Đại Bi vào nước để chữa bệnh và đạt được công hiệu linh ứng. Đó là vì họ có sự trợ giúp của loài thiên ma khiến cho người được lành bệnh tin vào họ, rồi dẫn dắt vào hàng quyến thuộc của thiên ma ngoại đạo. Vì thế, tuy cũng hành trì một pháp môn mà có thiên sai vạn biệt kết quả.
Dùng nước Đại Bi để chữa bệnh cho người là một pháp môn thực hành Bồ tát đạo. Nhưng quý vị muốn tu pháp này trước hết phải thực hành mọi hạnh nguyện của hàng Bồ tát. Phải luôn luôn giữ tâm niệm “vô ngã”, “vô nhân”. Nghĩa là trong tâm không còn bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả nữa. Quý vị đừng nghĩ rằng: “Tôi chữa lành bệnh của chúng sanh được, khi tôi trì chú Đại Bi, tôi tạo ra được sự cảm ứng vô cùng lớn lao”.
Nếu quý vị khởi niệm như thế, nghĩa là quý vị đã khởi dậy ngã chấp. Với ngã chấp ấy, liền bị rơi vào ma chướng, dù quý vị không có tâm niệm ngã chấp nhưng rất dễ bị gặp ma chướng khi tu tập pháp môn này. Bệnh nào cũng do nghiệp chướng hoặc ma chướng. Nếu bệnh vì nghiệp, thì chẳng có vấn đề gì khi quý vị chữa trị cho họ. Còn nếu bệnh do ma chướng, khi quý vị chữa trị cho họ có nghĩa là quý vị tuyên chiến với ma vương, nó có thể hãm hại quý vị. Nếu đạo lực của quý vị chưa đầy đủ, quý vị có thể bị thu phục vào cảnh giới của ma. Còn nếu quý vị có được đạo lực và tạo được đôi chút ảnh hưởng với chúng, thì chúng sẽ liên tục tìm mọi cách để đánh bại quý vị.
Tôi vốn thích chữa bệnh cho mọi người nên khi có ai bị bệnh, tôi tìm mọi cách để chữa cho họ. Nhưng sau đó, tôi phải đối đầu với ma chướng rất trầm trọng. Ở Mãn Châu, có một loài thủy quái muốn dìm chết tôi, nhưng nó thất bại. Tuy vậy, có 50 – 60 người bị chết và hơn 800 căn nhà bị thủy quái này phá hủy. Sau đó, trên đường đi từ Thiên Tân đến Thượng Hải, loài thủy quái đó lại tìm cách lật thuyền của tôi, chỉ chút xíu nữa là tôi biến thành thức ăn của cá. Từ đó mỗi khi đi hoằng hóa đây đó, tôi thường ít khi chữa bệnh.
Thế nên chữa bệnh là cách tốt nhất để kết duyên, nhưng đó cũng rất dễ kết oán với quyến thuộc nhà ma. Nó có điểm tốt và cũng có điểm không hay. Nếu quý vị làm việc đó mà tâm niệm không vướng mắc vào bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì quý vị có thể xoay chuyển mọi tình huống. Còn nếu quý vị không tự chuyển hóa mọi tâm niệm của chính mình khỏi bốn tướng trên thì rất dễ rơi vào ma chướng. Cho nên, kết duyên với chúng sanh qua việc chữa bệnh cho họ là một vấn đề đòi hỏi năng lực tu tập rất cao.
43. Ta ra ta ra
Quý vị nghe âm vang của câu chú này rất hùng, phải không? Ta ra Ta ra dịch là “Kiên cố lực”, là thần lực rất mạnh mẽ, không một thứ gì có thể lay chuyển được.
Kiên cố lực này có thể phá hủy và hàng phục tất cả các loài thiên ma ngoại đạo.
Đây là Kim cang xử thủ nhãn ấn pháp. Công năng của ấn pháp này là hàng phục tất cả các loại ma oán.
44. Tất lỵ tất lỵ
Tất lỵ Tất lỵ có ba nghĩa: Thứ nhất là “dõng mãnh” như trong chiến trận, người dõng mãnh là luôn luôn chiến thắng, không hề bị đánh bại. Nghĩa thứ hai là “thù thắng” nghĩa là vượt lên trên tất cả sự hoàn hảo, không bao giờ bị thất bại. Thứ ba nghĩa là “cát tường”. Vì khi hành giả có được sự dõng mãnh mới có được sự thắng vượt mọi chướng ngại, mới có được sự cát tường.
Tôi thường nói với các đệ tử của tôi rằng khi làm bất kỳ việc gì, dù ở cương vị nào cũng phải phát tâm dõng mãnh, thắng vượt chứ không bao giờ được thoái thất. Nếu ai lui sụt, đừng trở về gặp mặt tôi nữa. Những người yếu đuối, bại hoại thì có ích gì? Họ chẳng khác gì một thứ mà người Quảng Đông thường gọi là “thủy bì” là túi da đựng nước mềm nhũn. Còn ở Đông Bắc thì gọi là “thảo bao”, là cái túi rơm để đựng hạt giống mềm yếu và vô dụng. Nên hãy nhớ điều này: bất kỳ ai muốn phát nguyện trở thành đệ tử của tôi là phải luôn luôn vượt thắng mọi điều, phải có tâm kiên cố như chùy Kim Cang vậy. Còn như “thủy bì” và “thảo bao” thì không thể nào theo nổi.
Tất lỵ tất lỵ là Hợp chưởng thủ nhãn ấn pháp. Có thể khiến cho tất cả long xà, hổ lang, sư tử, nhân cùng phi nhân ph1t tâm kính ngưỡng. Tuy nhiên, hành giả phải thực sự có tâm dõng mãnh, vượt thắng và tâm bất thối chuyển. Công năng của ấn pháp này không phải là ở chỗ ngôn thuyết mà phải bằng nỗ lực hành trì.
45. Tô rô tô rô
Tô rô tô rô. Hán dịch là “cam lồ thủy”. Đây cũng chính là Cam lồ thủ nhãn ấn pháp. Trước đây tôi đã giảng về diệu dụng của nước cam lồ rồi. Có thể giúp cho các loài quỷ đói được no đủ và mọi tâm nguyện đều được như ý, làm tiêu tan mọi sự đói khát, thọ nhận được nhiều điều tốt lành khác nữa.
Nước cam lồ này còn gọi là “Bất tử dược”. Nếu có người sắp chết uống nước cam lồ này thì sẽ được sống lại. Nhưng không dễ gì gặp được nước cam lồ này nếu không có duyên lành.
46. Bồ đề dạ – Bồ đề dạ
Bồ đề dạ. Hán dịch là “Giác đạo”. Muốn thành tựu giác đạo thì trước hết, quý vị phải có được giác tâm. Nếu không có giác tâm, thì không thể nào tu tập để thành tựu đạo giác ngộ. Hành giả trước hết phải có tâm liễu ngộ chân thực rồi mới có thể tu tập đến chỗ thành tựu đạo nghiệp được. Hai câu chú này gọi là Bất thối kim luân thủ nhãn ấn pháp. Đó chính là tâm bồ đề kiên cố không bao giờ thoái chuyển.
Từ nay cho đến khi thành tựu quả vị Phật, quý vị phải phát tâm dõng mãnh ngày càng tinh tất hơn. Đừng nên dừng lại hoặc lui sụt. Chẳng hạn như khi quý vị nghe giảng kinh, hãy khởi tâm niệm rất khó có dịp được nghe giảng kinh Phật. Rất hiếm khi được gặp pháp hội. Mặc dù chuyện này xem có vẻ bình thường, nhưng nếu quý vị lắng lòng suy gẫm kỹ sẽ thấy giá trị vô cùng. Thử xem có nơi đâu trên thế giới này có được một pháp hội tinh tấn như thế này, ngày nào cũng đến đây để nghe giảng kinh? Còn có nơi đâu khác trên thế giới mà pháp âm tuôn trào như thác, như sông mãi không ngừng như ở đây?
Nên khi đã có duyên ngặp gỡ được pháp hội, quý vị phải thu xếp công việc, dù có bận rộn bao nhiêu, bất luận pháp sư giảng đề tài gì, người nào giảng cũng phải đến nghe. Đừng có phân biệt giữa pháp sư giảng hay và người giảng kém, rồi chỉ đến nghe người giảng hay. Nếu quý vị vẫn kiên trì đến nghe bất luận pháp sư nào giảng, lâu ngày chày tháng, chắc chắn quý vị sẽ thâm nhập được vào dòng đạo lý chân thật. Dù ai giảng đi nữa, quý vị cũng nên đến nghe để hộ trì cho pháp hội. Nếu một tuần có giảng pháp bảy đêm thì quý vị cũng nên tham dự cả bảy đêm. Đừng nên lười biếng!
Pháp môn này khó gặp được đã từng hằng triệu kiếp nay rồi. Một khi đã có duyên được gặp thì phải nên tinh tấn tu học. Sự tinh tấn chính là “tâm Bồ đề” kiên cố dõng mãnh vậy.
Nếu bỏ mất tâm Bồ đề mà mong ngày thành đạo thì không khác gì nấu cát mà mong thành cơm. Nên trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Vong thấ Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị chư ma nghiệp”.
Nghĩa là: “Bỏ quên tâm Bồ đề dù tu ngàn thiện pháp như làm việ ma vậy”. Về bất thối, có ba dạng:
– Thứ nhất là vị bất thối: Nếu hành giả đã chứng quả A la hán tồi, thì không còn trở lại hàng phàm phu nữa, Nếu hành giả đã chứng quả Bồ tát rồi thì không còn rơi lại hàng A la hán nữa. Nếu hành giả đã chứng đắc quả vị Phật rồi thì không còn trở lại hàng Bồ tát nữa. Trừ những vị muốn thị hiện hóa thân để giáo hóa chúng sanh. Ví dụ như hành giả có thể phát nguyện: “Nay tôi đã thành tựu quả vị Phật rồi, tôi muốn hiện thân Tỳ kheo để giáo hóa chúng sanh”. Điều ấy hoàn toàn đúng.
– Thứ hai là niệm bất thối: Đôi khi hành giả phát khởi tâm niệm: “Tu học Phật pháp thật chán, tôi không còn muốn tu hành hoặc đi giảng pháp gì nữa cả!”. Đây là niệm thoái thất. Khi hành giả khởi niệm thoái thất, thì ma chướng liền theo ngay, vì ma vương rất vui khi người tu hành khởi niệm lui sụt.
Một khi quý vị đã đạt được “niệm bất thối”, thì càng nghe pháp, càng muốn được nghe nhiều hơn.
Niệm bất thối là tâm lượng của hành giả không còn bị trôi lăn trong dòng thức biến “bất giác vọng động nữa”, không còn trải qua bốn tướng sinh trụ dị diệt của niệm khởi nữa. Niệm bất thối luôn được lưu xuất từ Bồ đề tâm, là bạn đồng hành của tâm kiên cố. Kiên cố là nét đặc trưng của tâm Bồ đề. Niệm bất thối và tâm kiên cố là nền tảng của đại nguyện Bồ tát. Niệm bất thối là niệm mà vô niệm. Vô niệm mà tự niệm “niệm vô niệm, vô niệm nhi tự niệm”. Niệm này là niệm vi mật hiện tiền, không thể suy lường. Niệm bất thối luôn luôn đi với hạnh bất thối.
– Thứ ba là hạnh bất thối: Nghĩa là thực hành đạo Bồ tát. Tuy làm mọi việc trong vô số cảnh giới mà không hề rời bản tâm, rời đại nguyện, rời niệm bất thối. Niệm Kim cang nguyện, thực hành Kim cang hạnh không thể nghĩ bàn.
Đứng trên nhân thừa mà luận, thì hạnh bất thối là sự hành trì tinh tấn, miên mật với tâm tinh tấn dõng mãnh hướng tới Phật thừa.
Khi quý vị hành trì Bất thối Kim Luân thủ nhãn ấn pháp, thì từ nay cho đến khi thành tựu quả vị Phật, quý vị sẽ không còn thối chuyển. Nhưng quý vị phải tinh tấn hành trì!
47. Bồ đà dạ – Bồ đà dạ
Câu chú này với câu trước giống nhau, chỉ khác âm giữa Bồ đà dạ. Hán dịch là “trí giả” và “tác giả”.
– Trí là hiểu biết chân chính, là trí tuệ.
– Giác là sự tỉnh thức.
Người có được sự hiểu biết chân chính là người đã giác ngộ đích thực và có được trí tuệ.
Đây là Đảnh thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp. Chữ hóa Phật trong Dảnh thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp chính là “giác giả”. Vị Bồ tát hành trì thành tựu Đảnh thượng hóa Phật ấn pháp cũng chính là “trí giả”. Cơ bản, “trí” và “giác” vốn chẳng khác nhau.
Giác là sự giác ngộ, là giai đoạn sau của cái biết tròn đầy chân thực (trí).
Tri là cái biết toàn triệt, là giai đoạn trước của giác ngộ. Nếu quý vị tu tập Đảnh thượng hóa Phật ấn pháp thành tựu rồi thì quý vị sẽ là người có trí tuệ chân chính, là người đã tự mình giác ngộ rồi. Nếu quý vị tu tập ấn pháp này thì mười phương chư Phật sẽ liền đến xoa đầu thọ ký cho quý vị trong tương lai sẽ chứng được quả vị Phật.
Trong khi đang niệm Phật hoặc trì chú, hoặc tọa thiền, hành giả đôi khi có cảm giác là lạ trên đỉnh đầu, như thể có một loài côn trùng bò quanh đầu vậy, nhưng khi quý vị lấy tay sờ đầu thì thấy không có gì lạ. Tôi sẽ nói cho quý vị biết đó là gì. Lúc ấy, chính chư Phật trong mười phương đến xoa đầu thọ ký cho quý vị sẽ thành tựu Phật quả trong tương lai. Nhưng vì quý vị chưa có được thiên nhĩ thông nên không nghe được; vì chưa có được thiên nhãn thông nên quý vị không thấy được. Tuy vậy, chư Phật trong mười phương thực sự đã rời bổn độ du hành đến đạo tràng xoa đầu thọ ký cho quý vị. Thế nên nếu quý vị có phước duyên gặp được, thì đây là một cảm ứng xuất phát từ công phu hành trì của quý vị. Nhưng quí vị không được khởi tâm mê đắm, hay ngã mạn mà nghĩ rằng: “À! Chư Phật vừa đến xoa đầu thọ ký hộ trì cho tôi”. Nếu quý vị khởi niệm vui mừng hay hãnh diện vì điều này cũng đều là chấp trước. Dù đây là triệu chứng tốt lành, mà khi quý vị đã khởi tâm đắm chấp rồi, thì cũng trở nên xấu.
Trong chương cuối của Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Đức Phật trìh bày rất nhiều cảnh giới, tất cả đều là cảm ứng xuất phát từ nỗ lực dụng công tu hành. Nhưng nếu hành giả nghĩ rằng mình đã chứng được cảnh giới vi diệu, thì hành giả trở nên bị chấp trước và liền lạc vào tà ma ngoại đạo, liền bị ma chướng. Do vậy, khi tu tập pháp này, quý vị phải tự an trú trong trạng thái “như như bất động”. Cho dù có gặp cảnh giới tốt hoặc xấu, cũng giữ tâm kôhng dao động. Khi tâm không dao động, là quý vị có được định lực, trí tuệ sẽ phát sinh. Có trí tuệ chân chính, quý vị sẽ trở thành “trí giả” và “tác giả”.
48. Di đế rị dạ
Di đế rị dạ. Hán dịch là “ chánh lượng”. Cũng dịch là “đại lượng”; nghĩa là số lượng rất nhiều, không đếm được. Còn dịch là “đại từ bi tâm” nghĩa là tâm từ bi quá rộng lớn, không có ngằn mé. Tâm từ bi này bảo hộ che chở cho tất cả mọi loaì chúng sanh và giúp cho họ được an vui, khiến cho chúng sanh thể nhập với bản tâm của mình, thoát khỏi sợ hãi và tránh xa mọi tai ương.
Đây là Tích thượng thủ nhãn ấn pháp. Trên đầu tích trượng có chín vòng tròn bằnh đồng. Lúc xưa, người xuất gia đi đâu cũng mang theo tích trượng. Mỗi khi đi đường, chín vòng kim loại này sẽ tạo nên âm thanh, báo động cho các loài côn trùng tránh xa để khỏi bị dẫm đạp lên mình. Tích trượng là một loại pháp khí trong Phật giáo. Bồ tát Địa Tạng thường dùng tích trượng như là chìa khóa để mở cửa các địa ngục. Vì vậy nên hành giả tu tập ấn pháp này phải nuôi dưỡng lòng từ bi rộng lớn, phát nguyện cứu giúp cho toàn thể mọi loài chúng sanh.
49. Na ra cẩn trì
Na ra cẩn trì. Hán dịch là “Hiền ái” hoặc là “Hiền thủ” cũng dịch là “Thiện hộ”, “Thiện đảnh”. Nghĩa là người đứng đầu trong các bậc Thánh hiền, họ là thượng thủ, là bậc khó tìm cách bảo bọc, che chở cho chúng sanh, khéo độ thoát cho chúng sanh đến quả vị tối cao.
Đây là Bảo bát thủ nhãn ấn pháp. Cũng gọi là Hồ Bình ấn pháp. Bình nước này có thể tẩy trừ mọi uế trược ở thế gian, cứu giúp chúng sanh thoát khỏi bệnh khổ. Bồ tát tu tập thành tựu ấn pháp này sẽ có năng lực hộ niệm cho toàn thể chúng sanh. Khi quý vị tu tập pháp ấn này thành tựu rồi, quý vị sẽ có khả năng cứu giúp mọi loài chúng sanh, giúp họ ngăn ngừa được mọi tai ương, chướng nạn. Nên còn được gọi là “Thiện hộ”, “Thiện đảnh”.
50. Địa lỵ sắt ni na
Địa lỵ sắt ni na. Hán dịch là “Kiên lợi”. Còn có nghĩa là “Kiếm”. Đây là Bảo kiếm thủ nhãn ấn pháp. Trước đây khi giảng về bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp, tôi có nói rằng ấn pháp này có công năng hàng phục mọi loài ly, mỵ, võng lượng. Khi quý vị utu tập thành tựu ấn pháp này rồi, tất cả các loài thiên ma ngoại đạo, ly mỵ vọng lượng đều ngoan ngoãn quy phục bởi vì họ sợ ấn pháp Bảo kiếm này của hành giả. Ấn pháp này rất oai hùng. Nếu có loài thiên ma ngoại đạo nào không tuân phục ấn pháp, hành giả có thể trừng phạt ngay bằng Bảo kiếm này.
51. Ba da ma na
Ba da ma na có ba ý: Thứ nhất là “danh văn” nghĩa là tên của hành giả được lưu truyền khắp mười phương thế giới. Nghĩa thứ hai là “Hỷ xưng” là mười phương thế giới đều vui mừng khen ngợi công đức của hành giả. Thứ ba là “thành danh”, “nhất thiết nghĩa thành tựu”. Có nghĩa là mọi danh tiếng, mọi công hạnh đều được thành tựu thật nghĩa và rốt ráo.
Đây là Bảo tiễn ấn pháp. Nếu quý vị hành trì ấn pháp này thành tựu sẽ liền gặp được thiện hữu tri thức.
52. Ta bà ha
Trong chú Đại bi, câu Ta bà ha rất là quan trọng. Câu này được lặp lại đến mười bốn lần.
Ta bà ha. Hán dịch có sáu nghĩa. Bất kỳ chữ này xuất hiện ở bài chú nào cũng có đủ sáu nghĩa này.
Nghĩa thứ nhất là “thành tựu”. Khi trì niệm câu chú này, tất cả sở cầu, sở nguyện của hành giả đều được thành tựu. Nếu quý vị chưa có được sự cảm ứng khi hành trì, là do vì tâm chưa đạt đến sự chí thành. Nếu quý vị có tâm chí thành và có niềm tin kiên cố, thì chắc chắn sẽ được thành tựu. Nhưng chỉ cần móng khởi một chút tâm niệm không tin vào chú này, thì không bao giờ được thành tựu.
Nghĩa thứ hai là “Cát tường”. Khi hành giả niệm câu chú này thì mọi sự không tốt lành, đều trở thành tốt lành như ý. Nhưng quý vị phải có lòng thành tín. Nếu quý vị có lòng thành tín hoặc nửa tin nửa ngờ khi trì chú này thì chư Bồ tát đều biết rõ. Vì thế nếu quý vị muốn mọi việc đều được đến chỗ thành tựu thì trước hết phải có niềm tin chắc thật. Ví như khi cha của quý vị có bệnh, muốn cha mình được khỏi bệnh thì quý vị phải hết sức thành tâm và chánh tin. Trì tụng chú này mới có cảm ứng.
Hoặc khi quý vị nghĩ rằng: “Từ lâu mình chưa được gặp người bạn thân. Nay rất muốn gặp anh ta”. Quý vị niệm chú này một cách chí thành, liền gặp bạn ngay. Hoặc quý vị nghĩ: “Ta chẳng có người bạn nào cả, muốn có người bạn tốt”. Quý vị trì chú này một cách thành tâm và liên tục, liền có được bạn lành, ngay cả gặp được thiện tri thức. Nghĩa thứ ba của Ta bà ha là “viên tịch”.
Khi các vị Tỳ kheo xả bỏ báo thân hoặc nhập Niết bàn thì được gọi là “viên tịch”. Nhưng ở đây, chữ “viên tịch” không có nghĩa là chết. Chẳng phải niệm câu chú Ta bà ha là để cầu sự viên tịch. Thế thì công dụng của câu chú này là gì?
“Viên tịch” có nghĩa là “công vô bất viên”. Là công đức của hành giả hoàn toàn viên mãn; “đức vô bất tịch” là đức hạnh của hành giả đạt đến mức cao tột cực điểm. Chỉ có chư Phật và Bồ tát mới biết được công hạnh rốt ráo tròn đầy ấy chứ hàng phàm phu không suy lường được.
Nghĩa thứ tư là “tức tai”, nghĩa là mọi tai nạn đều được tiêu trừ.
Nghĩa thứ năm là “tăng ích”, là sự tăng trưởng lợi lạc của hành giả. Khi niệm câu Ta bà ha thì công hạnh đều được tăng trưởng, hành giả sẽ đạt được chỗ lợi lạc an vui.
Nghĩa thứ sáu của câu này, tôi thiết nghĩ trong quý vị ít có ai biết được. Vì trước đây tôi chưa từng nói bao giờ.
Ta bà hà có nghĩa là “vô trú”. Nghĩa “vô trú” này nằm trong ý nghĩa của câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang.
“Vô trú” nghĩa là không chấp trước, không vướng mắc hay bám chấp một thứ gì cả.
Tâm vô trú là không có một niệm chấp trước vào việc gì cả. Không chấp trước nghĩa là tâm tùy thuận với mọi việc, thấy mọi việc đều là tốt đẹp. Đây chính là trường hợp: “Vô vi nhi vô bất vi” (không khởi niệm tác ý nhưng điều gì cũng được thành tựu). Vô trú chính là vô vi theo nghĩa ở trên, và vô vi chính là vô trú.
Khi quý vị vừa móng khởi lên một niệm tưởng, đừng nên vướng mắc vào một thứ gì cả, đó là nghĩa thứ sáu của Ta bà ha. Quý vị đừng nên trụ vào các niệm tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu quý vị có tất cả các tâm niệm trên thì phải nhanh chóng hàng phục chúng, chuyển hóa chúng để tâm mình không còn trụ ở một niệm nào cả. Hàng phục, chuyển hóa được những tâm niệm chúng sinh ấy gọi là vô trú. Dùng cái gì để chinh phục chúng? Dùng Bảo kiếm ấn pháp này để hàng phục. Quý vị nói rằng tâm quý vị bị đầy dẫy niệm tham chế ngự. Tôi sẽ dùng Bảo kiếm này để cắt sạch. Nếu tâm quý vị có đầy ma oán, tôi cũng sẽ dùng Bảo kiếm này đuổi sạch. Nếu tâm quý vị bị ma si mê chiếm đoạt, tôi sẽ dùng kiếm trí tuệ này chặt đứt chúng từng mảnh.
Tôi sẽ chặt đứt tất cả các loài ma ấy bằng Bảo kiếm Kim cang vương này, tức là dùng kiếm Trí tuệ để hàng phục. Nếu quý vị muốn hàng phục thiên ma ngoại đạo thì trước hết quý vị phải chuyển hóa được mọi vọng tưởng của mình. Khi quý vị chuyển hóa được vọng tưởng trong tâm mình, thì thiên ma ngoại đạo cũng được hàng phục luôn, cho dù chúng có muốn đến để quấy phá, chúng cũng chẳng tìm được cách nào để hãm hại được cả.
Trên đây là sáu nghĩa của Ta bà ha. Bất luận câu chú nào dưới đây có chữ Ta bà ha đều mang đầy đủ sáu nghĩa trên.
53. Tất đà da
54. Ta bà ha
55. Ma ha tất đà da
56. Ta bà ha
Chữ Tất đà da có năm nghĩa: Thứ nhất là “Thành tựu đốn kiết”. Thứ hai là “thành biện”. Thứ ba là “thành lợi”.Thứ tư là “nhất thiết nghĩa thành tựu” và thứ năm là “sở cung xưng tán”.
Thành tựu đốn kiết nghĩa là khi sử dụng thần chú này, thì mọi sở cầu, sở nguyện của hành giả liền tức khắc (đốn) được an lành (kiết), toại nguyện.
Có người hỏi: “Tại sao tôi cũng trì chú Đại Bi, mà không được toại nguyện tức thì”? Vì sự trì niệm chú Đại Bi đòi hỏi phải có sự tương ứng từ nỗ lực dụng công. Nếu không có sự nỗ lực hành trì tương ứng, thì sẽ không có sự thành tựu. Nếu có sự cảm ứng, dung thông thì mọi sở cầu, sở nguyện của hành giả đều được thành tựu.
Tất đà dạ còn có nghĩa là “thành biện”. Nghĩa là hành giả làm bất cứ việc gì thì kết quả đều đạt được viên mãn.
Cũng gọi là “thành lợi” là vì mọi việc làm đều được thành tựu lợi ích.
Nhất thiết nghĩa thành tựu có nghĩa là làm bất kỳ việc gì cũng đều được thành tựu.
Sở cung xưng tán có nghĩa là mọi người đều đến khen ngợi, cung kính tán dương công đức của hành giả.
Ma ha tất đà dạ. Ai cũng đều biết Ma ha có nghĩa là lớn. Câu chú này có nghĩa là hành giả đạt được mọi sự nghiệp to lớn, thành tựu được công đức thù thắng và đạo nghiệp viên mãn. Trong mọi việc, hành giả đều đạt được sự thành tựu viên mãn cao tột.
Cả hai câu chú hợp lại Tất đà dạ ta bà ha Ma ha tất đà dạ ta bà ha là Bảo kinh thủ nhãn ấn pháp. Bảo Kinh là sự quý giá vô ngàn của Kinh điển, chính là Pháp bảo. Nếu quý vị tu tập ấn pháp này thì sẽ đạt được lợi lạc vô cùng vô tận. Trong tương lai, trí tuệ và sức ghi nhớ của quý vị sẽ rất tinh anh. Nghĩa là có được khả năng “bác văn cường ký” – nghe nhiều, nhớ kỹ.
Ký ức của chúng ta thường hoạt động theo một lối riêng. Cũng như không thể nào đi nếu không có cây gậy. Sau khi đọc được điều gì, chúng ta không thể nhớ rõ ràng hết được. Chỉ khi nào cần cho sự học tập của mình, chúng ta mới lục lại tìm kiếm hay tra cứu lại những ghi chép. Tại sao trí nhớ của mình lại quá kém. Vì quý vị chưa từng hành trì Bảo kinh thủ nhãn ấn pháp này. Nếu quý vị hành trì ấn pháp này, quý vị sẽ đạt được sự hiểu biết thông tuệ và kiến thức rất đa dạng. Giống như Tôn giả A Nan, là đệ tử đa văn đệ nhất của đức Phật. Có thể nói Ngài A Nan đã hành trì Bảo kinh ấn pháp mà chẳng nghi ngờ gì. Ngài đã thành tựu ấn pháp này từ vô lượng kiếp rồi, nên khi nghe được điều gì, thì không còn quên nữa. Ngay cả Ngài có thể nhớ được những điều Ngài chưa từng nghe. Tại sao tôi nói như vậy? Vì Tôn giả A Nan ra đời cùng ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Như thế nên hai mươi năm trước, khi A Nan chưa xuất gia, thì những bài thuyết pháp của đức Phật Ngài A Nan chưa được nghe. Thế thì làm sao A Nan có thể kết tập toàn bộ Kinh điển sau khi đức Phật nhập Niết bàn? Vì A Nan được nghe các vị trưởng lão giảng lại những bài Kinh mà đức Phật đã thuyết từ trước, hoặc chính do đức Phật giảng lại cho A Nan nghe khi A Nan nhập định nên A Nan thừa biết rõ nguyên nhân của sự nhớ giỏi này là nhờ đã hành trì Bảo kinh thủ nhãn ấn pháp thành tựu.
Có người hỏi tôi: “Làm thế nào để có được trí nhớ tốt?” Câu trả lời đơn giản là hãy hành trì Bảo kinh ấn pháp. Những người nhớ được Kinh rõ ràng là có duyên với ấn pháp này.
Ở trong đồ hình mạn đà la, đây là ấn pháp Bồ tát phóng quang. Ngài phóng ra hào quang và tay cầm một tràng phan màu đỏ. Toàn thân Bồ tát phóng ra những luồng hào quang sáng chói biểu tượng cho sự khai mở trí tuệ, sự cường ký, trí lực đa văn quảng kiến và công đức thành tựu viên mãn.
57. Tất đà du nghệ
58. Thất bà ra dạ
59. Ta bà ha
Tất đà. Hán dịch là “thành tựu lợi ích”. Du nghệ. Hán dịch là “Vô vi” hay còn gọi là “hư không”.
Thất bàn ra dạ. Hán dịch là “Tự tại”. Đây là Bảo hiếp thủ nhãn ấn pháp. Hành giả thành tựu ấn pháp này có thể sử dụng lấy tất cả các thứ châu báo ẩn giấu trong lòng đất để làm lợi ích cho chúng sanh. Ý của câu chú này nói rằng ở nơi thể tánh mà thường được tự tại và thành tựu vô lượng công đức.