Để kiến lập một nguyện vọng kiên định nhằm giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, ta cần phải triệt để kiểm soát những nhân duyên và cân nhắc các lý do của ý muốn thoát ly này. Điều đầu tiên phải thừa nhận là thân tâm chúng ta đã được sắp đặt trước để chịu khổ. Tứ Diệu Đế[1], bài giáo lý đầu tiên của Đức Phật đã đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Các chân lý này là Khổ Đế, chân lý của khổ; Tập Đế, chân lý về nguyên nhân của Khổ; Diệt Đế, chân lý của sự diệt khổ và Đạo Đế, chân lý về con đường diệt khổ.

Sự quyết định chỉ bày các chân lý kể trên theo cách sắp thứ tự như vậy của Đức Phật có một ý nghĩa trọng đại đối với sự tu hành của chúng ta. Đức Phật đã dạy chân lý của khổ trước tiên nhằm nhấn mạnh tính quan trọng của sự hiểu biết về cái mà ta thường cho là an lạc kỳ thật lại là khổ đau.

Khi nào nhận thức được rằng mình đang chìm trong biển khổ thì bạn sẽ dấy khởi lên ý muốn được giải thoát khỏi cái khổ ấy. Và chính với lý do đó, mà bạn cảm nhận rằng, trước tiên cần phải tiêu diệt ngay nguyên nhân gây ra đau khổ. Khi tìm hiểu về căn nguyên của khổ, bạn sẽ khám phá thấy được phiền não và nghiệp báo. Do đó, bạn có khả năng nhận thức được rằng vòng tuần hoàn luân hồi và các khổ đau của nó được cấu tạo nên bởi chính các hành nghiệp của bạn; mà nghiệp thì được sai sử thúc đẩy bởi phiền não; phiền não thì do từ gốc rễ sâu dầy là niềm tin sai lầm vào sự bền vững, hoặc vào sự tồn tại cố hữu, hoặc vào bản ngã. Nếu đem phân tách lối tư duy của chúng ta về bản ngã; ta sẽ khám phá rằng ta có khuynh hướng nghĩ về nó như một hiện hữu có thật độc lập ở ngoài cả thân lẫn tâm. Đến khi ta cố gắng định vị nó thì nó liền tránh xa ta. Đức Phật đã từng khai thị rằng: không có cái ngã như vậy hiện hữu; rằng niềm tin của ta về một cái ngã độc lập là cội rễ đầu nguồn cho mọi khổ đau.

Ở trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, một nhóm người không chấp nhận có đời sống sau khi chết và một nhóm người khác thì chấp nhận. Có thể chia làm hai một nhóm trong số những người chấp nhận có đời sống sau khi chết; một nhóm xác quyết rằng phiền não cùng các tỳ vết của tâm thức có thể được tiêu trừ và thanh tịnh hóa trong khi nhóm kia tin tưởng là không thể được. Nhóm sau này chủ trương rằng cho đến khi nào tâm thức ra khỏi phiền não được. Do vậy, loại trừ phiền não cũng có nghĩa rằng chính tâm thức cũng bị tiêu diệt. Trong nhóm người nghĩ rằng tâm thức cuối cùng rồi cũng sẽ được tách ly khỏi các cấu nhiễm và các loại phiền não – đó là nhóm người tin có Niết Bàn đã nhận định Niết Bàn là chốn hoàn toàn diệt khổ, là một quốc lộ an lạc cao thẳm đến tận cảnh giới trác tuyệt. Nhóm người khác thì nhận định Niết Bàn là một trạng thái tâm linh sau khi đã xả ly phiền não và chứng nhập được cảnh giới chân như[2]. Niết bàn hiện diện ngay chính trong nền tảng của tâm linh và đó chính là nhãn quan của tín đồ Phật giáo.

Khổ Đế:

Để thấu hiểu đệ nhứt Đế, Khổ Đế; con người cần phải tư duy về cái khổ. Ta thường tự xem mình là một báu vật thượng hạng trong vũ trụ và thường tự đối đãi còn quý giá hơn cả đối với Đức Phật. Tuy nhiên, loại chấp trước này, chẳng hề đưa đến bến bờ cứu cánh an lạc. Bởi vì từ vô thỉ đến nay, ta đã lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử với vô lượng vô biên lụy kiếp. Từ thuở ấu thời đến nay, ta đã trải qua biết bao thăng trầm, chao đảo và hoang mang. Cuộc đời ta lại bị vây quanh bởi nhiều vấn nạn, nhiều khổ đau, lắm lụy phiền và vô vàn thất bại. Cuối cùng rồi cuộc đời sẽ được kết thúc bằng cái chết và ta cũng không biết chắc là nó sẽ đưa ta đi về đâu nữa. Ta hãy thẩm định một cách chân xác rằng vả chăng có một con đường nào đó có thể giúp ta thoát khỏi sự hiện hữu bất như ý này. Nếu cuộc đời in truyền như được khởi phát theo một thể thức độc lập với mọi nhân duyên, và được kết thúc bằng một thể thức không còn có bất cứ sự tiếp nối liên lỉ nào thì quả là vô phương để vượt thoát. Và nếu quả đúng như vậy, thì ta cũng nên sống theo chủ thuyết khoái lạc. Tuy nhiên, ai cũng đều biết rằng khổ đau là một sự thể mà ta thật sự chẳng muốn mong tìm và rằng giải thoát là điều rất đáng truy cầu nếu như có thể đạt được sự giải thoát toàn triệt ngay từ trong khổ đau.

Thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp đã trói buộc chúng ta trong vòng luân hồi sinh tử và khổ đau. Như chúng ta vẫn biết, dù trong một sát na (chớp nhoáng) mình cũng có thể tích tập được cả tam nghiệp và chính cái sát na (chớp nhoáng) ấy đã xô đẩy ta xuống cảnh giới thấp hơn. Sự trói buộc đã phát khởi từ một tâm thức chưa được điều phục do chính vì vô minh và vì sự lầm tưởng về tự ngã của ta gây ra. Khái niệm tự nhiên về một loại bản ngã độc lập tách riêng ra sẽ thôi thúc ta đắm chìm theo đủ loại ác nghiệp mà kết quả đưa đến là đau thương khổ lụy. Thái độ duy ngã này đã làm chủ chúng ta từ lâu mà chúng ta thì cứ mãi mãi vâng theo mệnh lệnh của ông chủ sai sử. Thế nên, ta cần tri nhận được rằng mình sẽ chẳng thu hoạch được lợi ích lợi nào khi đeo đuổi theo lời chỉ bảo ấy cả. Và ngày nào còn ôm giữ thái độ như vậy, ngày đó vẫn chưa thể có được cơ hội tìm được niềm an lạc hạnh phúc đích thực.

Trong tình huống nguy cấp như vậy, chúng ta hãy thẩm xét thử xem vả chăng mình có thể khắc phục được các phiền não này. Kinh nghiệm lần đầu tiên được sinh ra quả là một kinh nghiệm đau đớn cho cả mẹ cùng con. Vừa được sinh ra, phiền não có một bản năng tự nhiên bám chặt lấy thân xác và tâm tư ta, để rồi cản trở tâm thức khiến ta không sao trực tiếp hướng đến Phật pháp để tu hành được. Chính thân thể ta là nơi trở nên các nhân tố dấy phát phiền não. Ví dụ như: khi bị bệnh hoạn, thân thể suy nhược thì ta sân tức; đến khi được khỏe mạnh thì ta liền sanh tâm ái chấp. Sự sống tất nhiên được tiếp nối từ cái chết và chết lại được nối tiếp bởi một cuộc chuyển sanh khác. Nếu điều này vẫn còn chưa đủ, thì sự chuyển sinh chính nó được xem như là một nền tảng cơ bản cho nhiều khổ đau ách nạn khác nữa. Bởi vì chính sự chuyển sinh này đã cung ứng hoàn cảnh cho nhiều phiền não khác tiếp theo để rồi lại thêm lần nữa khởi duyên cho ác nghiệp và đưa dẫn đến các ác báo.

Thân người mà ta gìn giữ như một bảo vật đã đến từ các vật thể nhơ nhớp. Thân xác chúng ta được cấu tạo từ một tổng hợp tinh dịch của song thân là tinh cha trứng mẹ. Chúng ta sẽ tránh né nếu thấy quần áo bị dính máu và tinh dịch hoặc nếu có giọt nào bị rơi rãi xuống đất. Song le, ta vẫn tiếp tục sùng bái chính tự thân mình; tìm cách dùng quần áo tốt đẹp để che đậy thân mình, dùng hương thơm để che đậy mùi hôi của mình. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên chúng ta cũng được sinh ra từ các dịch chất tương tự. Truy nguyên nguồn gốc, ta sẽ nhận thấy rằng thân xác là sản phẩm sau cùng của mọi chất lượng bất tịnh kể trên. Tiến thêm một bước nữa, ta có thể thấy được thân xác như một chiếc máy sản xuất ra phân và nước tiểu. Quả thật đáng thương khi nhìn thấy những con trùng, một đầu ăn nuốt bùn đất và một đầu kia dùng để bài tiết. Không có gì đáng để nâng niu trân quí một thân thể bất tịnh như thế cả.

Thêm vào đó, con người lại còn có khả năng đe dọa mọi sự sống còn của quả địa cầu. Những người như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông vì tâm chưa được điều phục nên không những họ chỉ tích tập vô số nghiệp ác mà còn gây ảnh hưởng đến biết bao sinh linh, tạo nên vô số âu sầu, thống khổ và bi thương dày vò.

Kế đến là cái khổ bởi sự suy lão-lão khổ[3]. Tuổi già theo năm tháng chồng chất dần dần; nên ta không tài nào có thể kham nhẫn nổi. Khi tuổi già bóng xế, ta sẽ mất đi sự linh hoạt của thời son trẻ và cũng chẳng tiêu hóa nổi những thực phẩm mà trước kia ta một thời ham thích. Tên của những ai và những đồ vật gì mà trước kia ta nhớ rất rõ ràng, thì nay vì tuổi già ta không tài nào nhớ nổi. Dần dần, răng rụng, tóc rời, mắt nhòa, tai lãng. Cuối cùng rồi ta sẽ phải đến hồi tàn tạ và mọi người bắt đầu muốn từ bỏ trốn chạy dù chỉ thoáng thấy bóng dáng của ta. Khi đến thời kỳ phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của tha nhân thì mọi người sẽ tránh né gặp bạn.

Kế tiếp là bệnh khổ[4]. Thân thì bệnh hoạn, tâm thì gia tăng xao xuyến bất an nên bạn sẽ bị bệnh tật dày vò ngày đêm bất tận. Bệnh tật cũng gây trở ngại làm bạn không thể ăn những món gì mà mình ưa thích, làm những việc gì mà mình muốn làm. Và bạn buộc lòng phải uống những thứ thuốc có những mùi vị mà bạn ghê tởm

Kế đến là tử khổ[5]. Bạn sẽ bỏ lại tất cả tài sản quí giá của mình, xa lìa chính những người thân thương và ngay cả xác thân đã gắn bó đeo đuổi bạn suốt đời, bạn cũng sẽ phải xa lìa nó. Đau khổ của tử vong quả tình đã quá rõ ràng đối với chúng ta nên không cần thiết để giải thích nhiều hơn nữa.

Sau cùng là oán tắng hội khổ[6], ví dụ như phải gặp gỡ những kẻ thù ghét. Ngay trong hiện đời đạ có rất nhiều loại kinh nghiệm về sự bất toại ý. Nhân dân Tây Tạng chúng tôi mất đi tự do; đó là cái khổ oán tắng hội đấy. Ngay cả nhân dân của một đại siêu cường như Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ vẫn bị đủ thứ phiền toái đó vậy. Đôi khi họ đã bị nuông chìu hư hỏng vì sinh trưởng trong một môi trường vật chất sung mãn như vậy. Do vì sự kiềm tỏa bởi những đua tranh quá độ nên họ đã sống trong nỗi phập phồng âu lo hơn người khác. Tranh đua đến một mức độ nào đó thì tốt đẹp; nhưng nếu tranh đua quá mức kiềm chế như từng xảy ra tại Mỹ quốc thì sẽ đưa đến đố kỵ ganh ghét và bất mãn cực độ. Tại những quốc gia phát triển nhiều về vật chất, đôi khi người ta còn liệng bỏ thực phẩm vào lòng đại dương. Nhưng bên kia bờ của địa cầu là những quốc gia Phi Châu với hàng triệu triệu người đói khát. Quả thật khó khăn để có thể tìm được bất cứ người nào khả dĩ hoàn toàn vừa lòng mãn ý.

Kế đến là ái biệt ly khổ[7]. Ví dụ: nhân dân Tây Tạng chúng tôi đã bị mất nước lại còn chịu cảnh tang tóc chia ly với những người thân thương yêu quí. Cầu bất toại ý cũng là một loại đau khổ. Chẳng hạn như cầy cấy bị thất mùa hoặc khởi sự một thương vụ bị thất bại v.v…

Một khía cạnh khác về khổ đau là phải mục kích cái khổ của sự bất định[8]. Trải qua nhiều lần chuyển sanh tái thế hoặc đôi khi chỉ trong một kiếp của vòng luân hồi này, mọi sự vật đều thay đổi. Cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta trở thành thù nghịch và kẻ thù địch lại trở thành bằng hữu, hoặc cha mẹ ra sẽ chuyển sinh trở lại làm con cái của chính chúng ta. Không có gì cố định chắc chắn cả.

Ngài Tsong Kha Pa dạy rằng: ta hãy nỗ lực ngăn ngừa mọi hình thức nghiêng ngả thiên vị về mặt tình cảm đối với tha nhân, do dựa vào sự kỳ thị hoặc sự sắp hạng rằng đây là thù, đây là bạn, đây là thân bằng quyến thuộc. Hãy tư duy về bất định của cả đời ta ngay trong vòng tuần hoàn này và hãy tìm cách phát khởi một vài ý niệm chán ghét gờm tởm[9] đối với luân hồi[10]. Còn có một nỗi khổ nhục khác, đó là khổ vì không biết thỏa mãn[11]. Nếu thật sự chiêm nghiệm đến tổng số thực phẩm mà mình đã từng ăn uống cả cuộc đời này, thì ta sẽ cảm thấy chán ngán và kinh ngạc rằng ăn như thế mục đích là để được gì? Đấy là trường hợp của hiện đời này, vậy còn bao nhiêu đời kiếp quá khứ nếu ta thử chiêm nghiệm, ta sẽ ngĩ sao về những kiếp ấy? Chẳng hạn, tất cả số sữa của mẹ mà ta đã uống từ thuở ấu thời đến nay? Quả là đã vượt quá xa tầm trí tưởng tượng của ta! Bạn hãy quán chiếu đến mọi trạng huống phồn vinh cũng như đau khổ trong vòng tuần hoàn luân chuyển liên tục này và hãy nghĩ xem phải chăng chưa có kinh nghiệm nào mà bạn chưa từng trải qua. Để đạt được một hình thức thỏa mãn tâm linh, ta cố công hưởng thụ; song mọi hoan lạc và hạnh phúc của sự luân hồi đều in như một cảm giác không bao giờ thỏa mãn, nó chỉ như bất tận dù ta có tìm cầu thế mấy để hưởng thụ chúng. Ta phải tư duy rằng không biết thỏa mãn, chính tự nó là một nỗi khổ đau to lớn. Ta đã từng nếm trải vô lượng vô biên kinh nghiệm và thăng trầm trong luân hồi. Tư duy đến sự vô cớ của các kinh nghiệm như vậy, bạn hãy xác định rõ ràng nếu bạn không bắt đầu đình chỉ những tuần hoàn ác tính này ngay tức khắc thì mọi tiếp tục dấn bước đều không có ý nghĩa chi cả. Vì vậy, ta hãy bắt đầu phát triển một nỗi niềm chán ghét sâu xa đối với toàn thể quá trình những kinh nghiệm có được ngay chính trong vòng luân hồi này.

Có một nỗi khổ vì phải tiếp tục và tiếp tục xả bỏ thân xác. Cho đến nay ta đã trải qua biết bao lụy kiếp và khoác vào biết bao hình hài, nhưng ta vẫn mãi hoài công để làm cho kiếp sống và xác thân được đượm nhiều ý nghĩa. Ta đã không thành đạt được điều gì cả khi chỉ đơn thuần khoác vào mình vô số đếm kể các thân xác hình hài.

Ta lại trải qua biết bao lần thọ thai tái diễn và tái diễn mãi. Đức Phật dạy rằng: nếu ta nhặt đá cuội, dùng để đếm số các bà mẹ của chúng ta, mỗi viên tượng trưng cho một người mẹ thì sự điểm số này sẽ không cùng tận. Khi nghĩ đến tất cả những phồn vinh trong luân hồi đều kết thúc một cách bất hạnh và trục trặc, như pháp ngữ đã nói: “Sự cáo chung của hội tụ là tan tác; của đỉnh cao danh vọng là suy thoái; của gặp gỡ là phân ly; của sự sống là nghìn thu vĩnh biệt.” Tóm lại, mọi kinh nghiệm, mọi hỷ lạc, mọi hạnh phúc trong luân hồi đều tận cùng trong khổ sầu bất hạnh, cho dù bề ngoài dường như sung thịnh và vĩ đại thế mấy đi nữa thì cũng thế thôi.

Loại khổ thứ hai được gọi là Hoại khổ[12] vì mọi sung sướng hạnh phúc của thế gian đều chung cuộc rồi cũng biến thành đau khổ, như thế gọi là Hoại khổ. Hoại khổ đã bị ngộ nhận như là một kinh nghiệm của vui sướng. Ví dụ như: nếu bạn đang lên cơn sốt hoặc đang bị nóng bức, và nếu có nước lạnh để dội xối lên thân, bạn sẽ cảm nhận được một vài cảm giác dễ chịu thoải mái. Và chúng ta xem đây là một loại hạnh phúc. Hoặc giả, sau một cuộc tản bộ dài dẳng, bạn lại có được cơ hội ngồi nghỉ, giây phút nghỉ chân ấy quả thật dường như tuyệt vời hạnh phúc. Nhưng đây không phải là một kinh nghiệm chân thật hạnh phúc; những gì bạn đang thật sự cảm nhận chỉ là sự ngưng triệt dần dà của nỗi khổ trước kia mà thôi. Nếu được ngồi nghỉ là niềm thỏa thích chân chính thì được tiếp tục ngồi mãi chắc chắn phải tạo được những cảm thọ vui thích giống như vậy. Song le, bạn lại cảm thấy mỏi mệt và muốn đứng dậy trở lại nếu được tiếp tục ngồi lâu thêm nữa.

Loại khổ thứ ba là Hành khổ[13], có nghĩa rằng thân tâm của chúng ta bị khống chế bởi quá nhiều điều kiện gần như có thể kham chịu nổi mọi đau khổ trong bất cứ thời khắc nào. Cả ba loại khổ này có thể được miêu tả như sau. Nếu bạn bị phỏng thương, khi bôi thuốc dán lên sẽ gây cho bạn một vài cảm giác được chữa trị và thoải mái dễ chịu. Đây giống như trường hợp của Hoại khổ, bởi vì tuy được nhất thời thoải mái nhưng sự vui sướng dễ chịu chẳng thể kéo dài đươc. Nếu có người vô ý đụng phải hoặc bị nước sôi dội nhằm vết thương thì bạn sẽ thật sự cảm nhận được sự đau buốt tái tê. Đó là cái khổ rõ ràng hiển nhiên, là Khổ Khổ. Cái có thể gây cho hai cái ban đầu. Nếu chúng ta chẳng hề bị phỏng, thì chúng ta cũng sẽ chẳng có những kinh nghiệm tiếp nối sau đó. Vết đau phỏng đã đóng góp điều kiện cho cái khổ khác in tuyền như là sự sở hữu thân mạnh và tâm thức của chúng ta đã có khuynh hướng đặt định cho chúng ta cái khổ kế tiếp rồi. Và đặc tính của thân xác tự nó đã đóng góp điều kiện nhân duyên để bị phỏng rát. Và nó đã được đặt định trước để sẵn sàng nhận chịu các loại khổ đau ách nạn. Đây chính là Hành Khổ.

Ta nên tri hiểu một cách rõ ràng về các loại khổ đau như sự khổ đau của các loài súc sanh, của các loài quỷ đói và của các chúng sanh ở địa ngục; tất cả đều có thể xảy ra ngay chính trong loài người. Sau khi Trung cộng bắt đầu chiếm đóng, nhiều người đã chết vì đói ở Tây Tạng. Có lúc nhân dân Tây Tạng gần như phải ăn lá cây, côn trùng và giun dế. Những trường hợp như vậy rất tương tự như các loài quỷ đói. Tại Phi Châu cũng xảy ra những khổ đau như vậy, thì hiện có hàng triệu người đang chết vì đói. Ở những quốc gia có chiến tranh, con người phải chịu lầm than khổ sở như ở cõi địa ngục, vì các ảnh hưởng dị biệt chính trị. Khi Stalin lên nắm quyền, ông đã áp dụng phương thức chuyên chế bạo ngược và vô nhân đạo để cai trị Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết. Theo tài liệu, dưới ách thống trị của Stalin đã có đến 14 triệu năm trăm ngàn người bỏ mạng trước thế chiến thứ hai. Rất nhiều người trong số họ, những nông dân Nga Sô đã chết vì đói, và vì bị tra tấn hành hạ. Những đảng viên Cộng sản thì lại được thừa hưởng một đời sống sung mãn và thức ăn cao lương mỹ vị. Họ phải có cảnh binh bảo vệ khi ăn trưa vì lo sợ bị các nông dân nổi loạn và cướp giựt thực phẩm.

Ngay cả chư thiên cũng phải khổ. Họ có thể thấy biết trước khi chết nên họ rất khổ sở về tinh thần. Kinh dạy rằng các tràng hoa của họ sẽ tàn úa; áo quần và cơ thể của họ cũng bắt đầu nặng mùi hôi thối. Họ đã làm suy cạn toàn triệt tiềm năng của thiện nghiệp sau khi tận hưởng hết mọi dục lạc cõi trời. Vì thế, họ sẽ rơi thẳng xuống cảnh giới thấp hơn khi chết. Ngài Tsong Kha Pa dạy: do vì suy nghiệm đến toàn thể các nỗi khổ đau của sự luân hồi nói chung, và các khổ đau riêng biệt trong từng cảnh giới mà ta hãy phát khởi tâm cảm chán ghét sâu xa về mọi kinh nghiệm còn hạn cuộc trong vòng luân hồi, và hãy phát khởi một cách dõng mãnh tâm xuất ly thoát tục. Để rồi, ta sẽ thật sự bắt đầu chính thức điều nghiên thử xem những nguyên nhân nào đã đưa dẫn đến biết bao bất hạnh ê chề như vậy. Vì thế, câu hỏi của Đệ Nhị Đế-chân lý thứ hai, sự thật về nguồn gốc của khổ đau sẽ nối tiếp theo sau.

Tập Đế

Phiền não là nguyên nhân chủ yếu của sự chuyển sanh trong luân hồi. Không có phiền não, nghiệp sẽ giống như hạt giống đã bị thiêu hủy và sẽ không đủ năng lực để gây nên một sự sanh chuyện tương tục. Truy tìm các phương thuốc để giải trừ phiền não quả thật hết sức quan trọng; và điều này còn tùy thuộc vào bạn, đó là bạn đã tri nhận được phiền não một cách chân xác chưa? Do đó, chúng ta cần phải được thông suốt rõ ràng về các  đặc tính thông thường và các đặc tính cá biệt của phiền não. Như ngài Đạt Lai Lạt Ma đời thứ nhất đã nói, hãy điều phục những kẻ thù trong tự thân nội tại, ấy chính là phiền não. Kẻ địch ngoại tại có thể được xem như rất hung độc nhưng lại có thể trở thành bằng hữu của ta trong đời vị lai. Ngay trong hiện kiếp, họ đã cung ứng cho ta cơ hội để tu hạnh nhẫn nhục và từ bi, bởi vì trên cơ bản, tất cả chúng ta đều giống nhau; chúng ta đều ham vui tránh khổ. Nhưng kẻ thù phiền não nội tại chẳng có một chút ưu điểm nào cả, nó chỉ đả phá và hủy diệt thôi. Chúng ta vì vậy cần phải nhận định rõ ràng kẻ thù, nhìn xem cách nó vấn tác ra sao? Bất cứ trạng thái tâm lý nào diệt phá sự an tĩnh của tâm hồn, và mang đến lụy phiền cho tâm linh, gây nên sầu não buồn đau dày vò tâm thức đều được gọi là phiền não.

Chúng ta hãy nhận định một vài phiền não chủ yếu. Đầu tiên là sự tham chấp, đó chính là niềm khát vọng mãnh liệt đối với người, hoặc đối với vật đẹp, hoặc đối với những kinh nghiệm vui sướng.Tham dục giống như đem tâm bạn buộc vào đối tượng ngoại vật, rất khó trừ khử. Một loại phiền não khác, đó là sự sân hận. Khi con người giận dữ; ngay tức khắc chúng ta có thể trông thấy họ bị mất bình tĩnh, mặt mũi đỏ ngầu, biến nhăn ngay cả cặp mắt họ cũng đỏ luôn. Đối tượng của sự căm phẫn, dù là náo nhiệt sinh động hay vô tri vô giác đều là những gì xem như không đáng say mê và nên từ khước. Phẫn nộ là trạng thái nội tâm chưa được điều phục, rất thô bạo và không bình hòa. Một loại phiền não khác-sự kiêu mạn-đó là trạng thái tâm linh mà con người tự khoe khoang cao ngạo với địa vị, giai cấp, học thức của chính mình do dựa vào thái độ xem tự ngã như trung tâm điểm; cho dù là mình có thành tựu được điều gì hay không, mình vẫn cảm thấy dương dương tự đắc. Kẻ nào mang tính cao ngạo chất ngất sẽ rất tự phụ và tỏ ra rất ta đây. Kế đến là vô minh, tức là sự nhận định lầm lạc về Tứ Diệu Đế về luật nghiệp báo v.v…Vô minh được trình bày trong riêng phần thảo luận này, đó là muốn đề cập đến một yếu tố tâm lý hoàn toàn lầm lạc, mờ ám về bản chất của Tam Bảo và pháp tắc của nghiệp. Còn phiền não của sự hoài nghi là những tư tưởng chập chờn lưỡng lự không biết chắc có Tứ Diệu Đế hoặc luật tắc của nghiệp báo hay không.

Một loại phiền não khác nữa, đó là những loại tà kiến, là sự ngộ nhận vội vàng về bản chất của thực tại. Loại đầu tiên trong những loại tà kiến này là trạng thái tâm lý chuyên chú vào tự ngã và lầm tưởng rằng bản ngã tồn tại chân thật, hoặc có một thực chất-tưởng tượng cho rằng ngay chính trong thân xác và tâm thức tạm bợ vô thường của chúng ta có một loại bản ngã trường cửu, tự do độc lập. Những loại tà kiến khác là những loại tà kiến chủ trương không có đời sống sau cõi chết, không có tác nghiệp và cũng chẳng có Tam Bảo. Dựa trên kiến giải sai lầm về tự ngã, có những phiền não khác trổi dậy. Ví dụ: nếu trời nhá nhem tối và nếu có cuộn dây thừng thì có thể bạn sẽ ngộ nhận sợi dây là con rắn. Để rồi ý tưởng nhận lầm sợi dây là con rắn sẽ xúc tác và sẽ đưa dẫn đến đủ loại phản ứng trong tâm thức như sợ hãi; và sẽ đưa dẫn đến đủ loại hành động, chẳng hạn như chạy ra khỏi nhà hoặc tìm cách giết rắn…tất cả đều dựa căn bản trên một ngộ nhận thuần túy đơn giản. Cùng thế ấy, ta lầm lạc tin tưởng rằng cả thân và tâm của ta đều sở hữu một hình thái bản ngã nào đó. Và kết quả là đủ thứ phiền não sẽ nối tiếp theo sau như dục cầu và sân hận. Bởi vì thái độ xem tự ngã như trung tâm điểm và quan niệm sai lầm về bản ngã của tự thân này mà ta kỳ thị phân biệt mình và người. Để rồi căn cứ theo phương cách tha nhân đối xử với ta; ta sẽ xem một đôi người ưu ái thân cận, và chấp luyến với họ; còn một vài người khác thì xa cách và liệt kê họ như kẻ thù nghịch. Thế là chúng ta phẫn nộ sân hận và vì trọn vẹn đặt chú tâm vào tự thân nên ta trở nên kiêu căng tự đắc và tự quan trọng hóa mình. Sau đó, nếu sự chấp chặt của quan niệm sai lầm về bản ngã đã quá mãnh liệt thì ta sẽ bắt đầu đặt nghi vấn rằng là vả chăng giáo pháp dạy về vô ngã của chư Phật có đáng để được tin cậy? Vì thế, ta khởi sự hoài nghi về luật tắc nghiệp báo, về Tứ Thánh Đế, về Tam Bảo. Những tà kiến trên đây sẽ đưa dẫn đến hoài nghi. Phàm tất cả đều khởi phát từ một niềm tin sai lạc về một bản ngã thật có của tự thân.

Khi phiền não phát khởi trong bạn, nó sẽ quấy nhiều sự tĩnh lặng bình hòa của tâm thức bạn,và nó cũng đồng thời mù khuất sự phán đoán của bạn về tha nhân. Nó sẽ để lại một tỳ vết rất sâu đậm, không những hại mình, mà còn hại cả người khác nữa. Ví dụ như: nếu vì quá giận dữ mà sinh ra ẩu đả thì bạn sẽ gây ra phiền toái cho hàng xóm. Sự phẫn nộ sẽ làm tiêu hao công đức và làm cho bạn mất hết tài sản và bạn bè. Khi người nào bị kềm kẹp bởi ảnh hưởng của sự thịnh nộ, thì kẻ đó thật sự đánh mất phẩm cách của một con người. Nhân loại chúng ta được trang bị bằng một khối óc hết sức phức tạp, và chúng ta có năng lực phán xét đúng sai cũng như có năng lực đo lường tình huống phải trái của vấn đề. So với các loài hữu ích khác, ta có một phẩm vật thiên phú độc đáo; tuy nhiên ta lại đánh mất cái khả năng ấy khi ta đang bị đè nặng dưới sức ảnh hưởng mãnh liệt của phiền não. Cho dù ta có thể quyết chí làm một điều nào đó, nhưng ta đã đánh mất năng lực phán đoán. Điều phục tâm thức là công tác trọng yếu nhất trong cuộc đời của một con người.

Diệu Đế

Như ngài Tsong Kha Pa đã dạy: tất cả các cảnh giới luân hồi mà ta có thể chuyển sanh đến, từ điểm tồn tại cực cao xuống đến cảnh giới thấp nhất của địa ngục đều mang tính chất khổ đau. Những khổ đau này không phải do vô cớ, và cũng đã không được tạo ra bởi một đấng Thượng Đế toàn năng nào cả. Chúng là sản phẩm của những phiền não và hành nghiệp của chính chúng ta do trạng thái tâm linh chưa được điều phục thúc đẩy mà tạo thành. Nguyên nhân cội rễ của mọi khổ đau là vô minh, và do vô minh nên đã có một kiến giải sai lầm về bản chất của vạn pháp, và đã xem bản thân tự ngã như là một thực thể tồn tại độc lập. Sự vô minh này khiến chúng ta phóng đại tình trạng của vạn pháp, và đã gây tạo nên sự phân biệt giữa ta và tha nhân. Những điều ấy sẽ mang đến các kinh nghiệm của sự ham muốn, của sự sân hận…và kết quả đưa đến là đủ loại hành vi tiêu cực. Chúng cũng sản sinh ra tất cả những khổ đau ngoài ý muốn cho chúng ta. Nếu không muốn khổ thì ta thử nhận định xem, sự diệt khổ có khả thi chăng? Nếu vô minh đã khiến ta vọng chấp bản ngã là một ý thức sai lầm thì vẫn có thể tránh được bằng cách sửa đổi sự sai lầm ấy. Có thể đạt được điều này bằng cách khởi phát ngay chính trong nội tâm chúng ta một loại trí huệ có thể thấu triệt được sức đối lập trực tiêp của tâm thức, đó là một loại tuệ giác có thể thấu triệt được rằng không hề có một bản ngã nội tại thật sự hiện hữu; và hai là một trạng thái tâm thức trực nhận được sự vắng mặt của một loại bản ngã như vậy-thì sự chấp chặt vào bản ngã theo như sự lý giải lúc đầu rất chắc chắn và vững mạnh. Tuy nhiên, vì đó là một cách thuận lý. Còn có một hình thái nội tâm khác nữa, đó là sự thấu triệt vô ngã, dường như rất yếu ớt vào gia kỳ đầu tiên nhưng nó lại rất thuận lý. Sớm muộn gì thì tuệ giác có khả năng lý giải được vô ngã cũng chiếm thế thượng phong. Ở vào giai kỳ tiên khởi, chân lý có thể không được rõ ràng cho lắm nhưng khi ta tiến gần đến chân lý hơn, thì chân lý càng dần dà trở thành tự chứng. Những gì sai quấy ở giai đoạn tiên khởi tựa hồ rất linh hoạt và vững chắc; nhưng kết cuộc khi ta thẩm xét càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì nó trở nên mỏng manh cạn cợt hơn để cuối cùng đưa dẫn đến tan rã.

Phiền não khác với tâm thức, nó không phải là một phần của bản tánh chủ yếu của nội tâm. Ví dụ như: có người tánh nết rất nóng nảy nhưng cũng có lúc tâm bình khí hòa. Một người có tánh tình rất nóng nảy chưa hẳn là ý sẽ trường kỳ sân giận. Vì thế, khi những trạng thái tâm thức phiền não như sân hận và dục vọng trỗi dậy trong ta, chúng rất dữ dội và mạnh mẽ. Nhưng, nếu ta ý thức được thì không bao giờ có trường hợp là các trạng thái tâm thức này tiếp tục hiện diện. Một sự thật khác nữa là, ta không thể có hai trạng thái tâm lý đối lập đồng lúc đối với một vật thể; giống như đối với người nào đó ta không thể vừa có lòng hận thù sâu xa, vừa có lòng bi mẫn nồng nàn được.

Có rất nhiều trạng huống khác nhau ngay chính trong tâm tư chúng ta; có những trạng huống vô cùng vi tế nhỏ nhiệm, có một số tiêu cựu và một số tích cực. Chính ngay trong chánh trái lưỡng cực đó mà ta phát hiện rất rõ ràng là càng nâng cao và gia tăng sự quen thuộc đối với bên này thì sự chấp chặt vào mặt bên kia càng trở nên yếu ớt đi. Do vậy, những ô nhiễm và phiền não ngay chính trong tâm chúng ta đều có thể trừ khử được. Kinh nghiệm của chúng ta chứng minh rằng có một số người thật sự rất nóng tánh và dễ bị khích động lúc trẻ tuổi, nhưng đã trở nên rất ôn hòa về sau. Điều này chứng tỏ khi tâm tánh chúng ta quen thuộc với tình thương và lòng bi mẫn rộng lớn bất tận, thì sức mạnh của sự phẫn nộ sẽ dần dần giảm thiểu.

Đạo Đế

Như chúng ta đã thấy và hiểu rằng tất cả mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều vốn có đủ bản chất khổ đau, do vậy chúng ta nên phát nguyện một cách chân thành để cầu được giải thoát. Do nguyện lực thúc đẩy, chúng ta phải tiến vào con đường tam học: Giới, Định, Huệ[14]. Trong tam học, thuốc giải có thể tiêu trừ độc phiền não là trí huệ hiểu biết về vô ngã. Hướng đến mục đích đó, đầu tiên phải cần lấy tâm linh ổn định, chuyên chú làm nền tảng; mà tâm linh chuyên chú có được do nhờ dựa vào sự trì giới thanh tịnh. Vì thế, chúng ta cũng cần phải trì giới thanh tịnh. Ở giai đoạn sơ khởi, ưu tiên hàng đầu cần phải làm, đó là việc trì giới, vì trì giới là việc vô cùng cần thiết cấp bách.

Ngài Tsong Kha Pa dạy rằng, chánh niệm[15] là nền tảng cho toàn thể giáo pháp của Phật. Để trì giới thanh tịnh, năng lực chánh tri (hiểu biết chân chính) và niệm trú (an trú trong chánh niệm) là điều cần phải có. Đối với nam chúng và nữ chúng tại gia, sự trì giới thanh tịnh để tiết chế tránh phạm vào thập ác nghiệp là nền tảng của sự tu hành nhằm hướng đến con đường giác ngộ giải thoát. Nếu chúng ta không suy xét những điều cần thiết, thực tiễn, như trì giới mà chỉ tìm kiếm các phương thức tu hành phức tạp thì sự tu hành của chúng ta chỉ đơn thuần giả dối chứ không thật sự nghiêm cẩn chân chính. Tu tập tam học, chúng ta nên truy cầu một sự thành tựu giải thoát, không những cho chính mình mà còn đồng thời cho khắp muôn loài.

Kinh sách dạy, thân người là hình thức tốt nhất để tu hành Phật pháp và để nỗ lực chấm dứt luân hồi. Ngay với thân người, cuộc đời của những cư sĩ tại gia cũng thường bị vướng bận vào đủ loại vấn nạn, đủ loại phiền toái. Vì vậy các sinh hoạt thế tục mà họ bị vướng bận vào thường không giúp ích gì hiều cho sự tu tập hành trì của họ. Còn cuộc đời của chư vị tăng ni thì thường được xem như đã giúp cho sự tu hành được vô cùng dễ dàng để chấm dứt luân hồi. Ngài Tsong Kha Pa dạy rằng: Nếu bạn đã là một tăng sĩ hay một nữ tu rồi thì chí nguyện dấn thân vào đời sống xuất gia sẽ được kiên định hơn khi tư duy đến các khuyết điểm và các bất tiện của đời sống tại gia, cùng các ưu điểm và sự thuận lợi của đời sống xuất gia. Lối tư duy như vậy, sẽ lưu vào tận cùng tâm khảm của bạn những dấu ấn sâu đậm của thiện nghiệp để rồi một ngày nào đó sẽ biến thành những cơ duyên đưa dẫn bạn hướng đến cuộc sống cắt lìa thân cho dù hiện nay bạn vẫn chưa dứt khoát lựa chọn con đường xuất gia này. Trong cuộc sống thế tục, nếu quá giàu có sung mãn thì đời bạn sẽ ngập tràn bởi nhiều vấn nạn và âu lo để bảo toàn sản nghiệp; nếu nghèo khó thì cuộc đời bạn sẽ chỉ toàn là bươi chải nhằm tìm kế sinh nhai. Có nhiều của cải vật chất và vẫn không tri túc (biết đủ); đây không phải là thể thức sống của một tăng nhân hay một ni sư. Tăng và ni không nên dính líu đến các thương vụ buôn bán trừ phi bị sa vào vòng nợ nần. Làm thương mãi và dấn thân quá nhiều vào công cuộc quyên góp tài chánh khi bạn đã có đầy đủ lương thực dự phòng rồi cần phải thật sự xả bỏ. Nếu bạn không có lối sống tu hành với lòng khiêm cung và tâm tình biết đủ thì quả thật chẳng có chi sai khác giữa người tại gia và người xuất gia, ngoại trừ đó chỉ là một dáng vẻ bề ngoài với sự khác biệt của áo quần.

Có một vị tăng nhân đến từ Cam Đan Tự (Gandenmonastery), ngài là một vị thiền sư tu hành rất nghiêm túc. Ngài đã lập nguyện là không bao giờ sống dưới một mái nhà, và ngài đã tu hành như thế từ rất nhiều năm qua. Ngài nói với tôi rằng có một ngày nọ khi ngài đang tịnh tọa thì một con rắn đã bò ngang mặt ngài và nhìn chăm chú vào ngài. Vị thiền sư đã nhìn trở lại con rắn và bắt đầu nói một ít pháp ngữ với nó. Tôi cảm thấy khá thích thú vì dường như là vị thiền sư đang truyền pháp cho rắn. Ngài nói với tôi, rắn nhìn ông một hồi lâu rồi từ từ bò đi một cách êm ả.

Tánh cách quan trọng của giới luật đã được Đức Phật đích thân nhấn mạnh và khai thị. Khi Đức Phật đang nhập Niết Bàn, ngài đã được vấn hỏi: ai sẽ thừa kế ngài và Ngài đã dạy rằng giới luật sẽ là hướng đạo và là vị thầy của toàn thể giáo pháp Phật giáo. Ngài đã xưng tụng rằng giới luật chính là người kế vị ngài.

Để có thể khắc phục được sự lừng lẫy phiền não, vấn đề trọng yếu là phải biết tự kiểm tâm thức mình, và phải biết dành ưu tiên hàng đầu để tự kiểm đối với những xúc cảm nào mạnh mẽ hơn. Ví dụ: có người rất say đắm những khoái lạc cảm quan, có người rất nóng tánh và có người rất vô minh và lười biếng. Bạn phải tự cật vấn cá tính của mình và tìm cách chiến thắng những tình tự nào sôi nổi lộ liễu nhất. Như đã đề cập từ trước, bạn cần phải thật sự nỗ lực để chắc chắn rằng không có lời thệ nguyện nào bị vi phạm cả. Tuy vậy, nếu khám phá rằng mình đã vi phạm một vài điều thệ nguyện, bạn không nên bỏ qua mà hơn hết hãy tức khắc áp dụng những phương thức cần thiết để khôi phục lại thanh lọc chúng. Khi thanh lọc một điều vi phạm nào bạn phải luôn luôn nhớ nghĩ và suy gẫm sâu xa để tránh đừng tái phạm. Mang ý niệm rằng “những việc tôi làm không quan hệ gì, bởi vì cho dù vi phạm lời thề cũng có thể khôi phục trở lại” quả tình rất nguy hiểm; điều này chẳng khác nào cố ý uống thuốc độc và nghĩ rằng sẽ được chữa khỏi.

Một khi đã tri nhận được tính cách trọng yếu của sự trì giới và nghĩ đến biết bao an lạc yên bình nếu bạn có thể trừ khử mọi phiền não; thì như đã giải thích từ trước, bạn cần phải trước tiên nhận chân riêng rẽ từng loại phiền não. Một khi đã nhận chân được chúng rồi, hãy suy gẫm đến tính chất tàn phá, hủy hoại của chúng, và sau đó áp dụng chánh niệm và năng lực chánh tri. Đối với những loại phiền não càng mạnh mẽ và càng lộ liễu bao nhiêu thì càng phải chống cự phản kháng ngay tức khắc, giống như dùng búa sắt để đập tan những vật nhọn. Nếu bạn chỉ đơn thuần bỏ mặc chúng thì chúng sẽ thật sự gây tổn hại cho chính bạn và cho cả người khác nữa. Phiền não dường như rất mạnh mẽ nhưng nếu phân tích kỹ càng thì phiền não không thực sự uy mãnh như vậy. Có lần tôi đã vấn thị một trong những thượng sư của tôi, phiền não có thực sự yếu ớt chăng vì đôi khi chúng dường như bộc khởi rất mạnh. Ngài đáp: phiền não yếu lắm vì bạn đâu cần đến vũ khí nguyên tử để tiêu diệt chúng đâu. Và tôi đã khởi sự hiểu rõ ý ngài.

Tất cả những gì ta cần có để chiến thắng phiền não một cách vẻ vang là chỉ cần có ý chí và sự kiên trì cố gắng. Đánh bại kẻ địch phiền não, đại để là cần phải có thái độ thích hợp. Trạng thái tâm linh của chúng ta rất quan trọng đến nỗi ngài Thượng Sư Ấn Độ Tịch Thiên mỗi khi gặp bất cứ ai, câu hỏi đầu tiên Ngài nêu lên là “Hôm nay tâm địa ngươi có lương thiện không?” Bạn có thể đánh bại kẻ địch thông thường một lần, nhưng chúng vẫn có thể phối hợp trở lại và tấn công tiếp tục. Nhưng một khi phiền não đã bị tiêu trừ rồi thì chúng không còn cách nào có thể tái phát lại.

Bất cứ sự liễu ngộ nào mà bạn đạt được từ việc tu trì Phật pháp cũng đều cần được thẩm định và xét đoán dựa trên cơ bản rằng là vả chăng tin tưởng gắn bó của bạn đối với luật tắc nghiệp báo đã tăng trưởng; và vì thế phải chăng sự trì giới của bạn đã trở nên thanh tịnh và năng lực của những phiền não như vô minh, sân hận và tham dục đã giảm ngay chính trong tự thân của bạn? Nếu xét thấy do bởi tu hành mà bạn đã hoàn mãn để sửa đổi tâm thức mình và đã vượt qua được một vài biểu tượng chánh yếu của phiền não như là sân hận, vô minh và dục cầu thì quả tình đó là một thành tựu to lớn. Ngài Tịch Thiên dạy rằng: những vị thường tình anh hùng là những vị đã giết được địch thủ của họ, chưa hẳn đã là anh hùng bởi vì những người mà họ giết sớm muộn gì rồi cũng sẽ chết và họ chỉ thật ra đang giết chết các thây ma thôi. Nhưng người nào đang phấn đầu chống chỏi với phiền não mà có khả năng tiêu diệt kẻ địch ấy mới thực sự là một vị anh hùng trong ý nghĩa đích thực của danh xưng vậy.


Ghi chú:

[1] The four Noble Truths: Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế

[2] Cảnh giới chân như: reality

[3] Lão khổ: suffering of aging.

[4] Bệnh khổ: suffering of illness

[5] Tử khổ: suffering of death

[6] Oán tắng hội khổ:suffering of meeting with the unwanted

[7] Ái biệt ly khổ:suffering of having what we want taken away.

[8] Khổ của sự bất định: suffuring of uncertainty

[9] Ý niệm chán ghét gờm tởm: sense of aversion

[10] Luân hồi:samsara

[11] Khổ vì không biết thỏa mãn: uffering of lack of contentment

[12] Hoại khổ: the suffering of change

[13] Hành khổ: the suffering of pervastive conditioning

[14] Con đường tam học, Giới, Định, Huệ: The path of the three trainings: training of morality, concentration, wisdom.

[15] Chánh niệm: mindfulness

Trích: Hướng Đến Con Đường Giải Thoát
Nguyên Tác: The Way to Freedom
Tác giả: Đức ĐẠT LAI LẠT MA 14
Dịch giả: Nguyễn Thúy Phượng