Thượng tọa Thích Phước Minh, thế danh là Trần Ngọc Tỷ, sinh năm 1915 tại làng Mỹ Thạnh Trung, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 17 tuổi, Thượng Tọa đến chùa Rạch Rừng thuộc xã Hòa Bình, quận Tam Bình xin quy y Tam Bảo với Hòa Thượng Thích An Sơn (thường gọi là Sư ông núi Tượng).
Cũng trong năm này, Thượng Tọa phát tâm xuất gia nhưng Cha mẹ không cho đi, vì trong gia đình chỉ duy nhất Thượng tọa là con trai nên ông bà cụ muốn Thầy lập gia đình để nối dõi Tông đường và tiếp nối giữ gìn gia nghiệp của Cha Mẹ để lại, phụng thờ Tổ tiên. Vì thế Thầy phải vâng lời, không dám cãi lại Cha Mẹ. Hơn 10 năm sau, Thượng Tọa cùng gia đình dời về Cần Thơ.
Ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát vẫn không quên, nên vào năm 59 tuổi (1973), Thượng Tọa đến chùa Phước Châu (thị xã Vĩnh Long) cầu Hòa Thượng Hoàn Phú thế phát xuất gia được Bổn sư ban cho pháp danh Phước Minh và thọ giới Sa Di trong năm này. Năm sau (1974) trở về chùa Phước Hậu (Trà Ôn) tu học với Thầy Bổn sư và giữ chức vụ Thư ký chùa.
Đến năm (1975), được Hòa Thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ Tỳ Kheo Bồ Tát giới tại Tổ đình Ấn Quang (Sài Gòn). Năm (1976), Thượng Tọa lên chùa Huệ Nghiêm (An Dưỡng Địa) tại Sài Gòn đảnh lễ cầu pháp với Hòa Thượng Thích Bửu Huệ tu tập theo pháp môn Tịnh Độ, chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương.
Thầy rất siêng năng công quả và tinh tấn tu hành, chân thật cầu giải thoát nên Hòa Thượng Bổn sư cử làm phó Trụ trì Tổ đình Phước Hậu và cho pháp hiệu Hoàn Tịnh. Phía ngoài vườn chùa có lập một ngôi tịnh thất, Thượng tọa thường nhập thất niệm Phật, khi thì 7 ngày, 21 ngày, lúc 49 ngày hoặc 3 tháng.
Đầu năm 2003 (Quý Mùi) Thượng tọa thường hay đau yếu, đệ tử là Sư cô Trí Thanh (Trụ trì chùa Phước Hưng) thường đưa Thượng tọa qua Cần Thơ để khám bệnh và điều trị. Khoảng tháng 08 (Â.L), Thượng tọa bệnh và nói với Sư cô Trí Thiện: “May đồ cho Thầy kỳ này thôi. Sau khỏi may nữa!”.
Đến khuya ngày 20 tháng 10 (Â.L) trở bệnh. Sáng 21 tháng 10 chuyển lên bệnh viện Đa Khoa Cần Thơ cấp cứu vì Thầy bị hôn mê. Đến trưa ngày 22 tháng 10, xin xuất viện đưa về Tổ đình Phước Hậu.
Ở trên xe chư Tăng Ni và Phật tử niệm Phật và trợ niệm cho Thượng tọa và đôi lúc thấy Thượng tọa khẽ mỉm cười. Khi về đến chùa Phước Hậu vẫn tiếp tục trợ niệm cầu nguyện, lúc ấy Thượng Tọa bỗng nhiên niệm ra tiếng “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”. Chỉ một câu rồi im lặng niệm thầm. Lúc còn khỏe, Thượng tọa thường dạy “Phải niệm Phật cho thật rành rẽ, rõ ràng từng chữ từng câu”.
Đại chúng vẫn trợ niệm cho đến trưa ngày 24 tháng 10 âm lịch năm Quý Mùi, vào 11 giờ 5 phút (tức đầu giờ Ngọ) nhằm ngày 17/11/ 2003, Thượng tọa an tường vãng sanh trong tiếng niệm hồng danh Phật A Di Đà của đại chúng. Hưởng thọ 89 tuổi đời, hạ lạp 28 tuổi đạo.
Tang lễ của Thượng tọa được cử hành trong 2 ngày 24 và 25 tháng 10 (ÂL), đến 7 giờ sáng ngày 26 là lễ di quan đưa kim quan của cố Thượng Tọa đến lò hỏa táng chùa Phật Học, Cái Răng, thành phố Cần Thơ để hỏa thiêu.
7 giờ sáng ngày 27/10 Â.L, môn đồ pháp quyến thu nhặt linh cốt, tro xương để phụng thờ. Thượng tọa đã lưu lại một hộp xương sọ đầu và trên 200 viên xá lợi.
Đến tuần 49 ngày, toàn bộ linh cốt và sọ đầu được an vị nhập vào bảo tháp tại chùa Phước Hậu vào ngày 13 tháng Chạp âm lịch, năm Quý Mùi. Riêng phần xá lợi, môn đồ pháp quyến gìn giữ phụng thờ.
Sống chết, thạnh suy lý vẫn thường.
Tuổi cao, gần Phật bận chi thương.
Người Bạn Sen
Thích Đức An kính thuật