Đạo Phật ví như đóa hoa ngát thơm, ai ai cũng có thể ngửi được mùi thơm đó. Không phải vì là tu sĩ mà mùi hương đó tăng hay là cư sĩ Phật tử mùi hương đó giảm. Hễ bất cứ người nào thực hành được giáo pháp của Phật thì người đó hưởng trọn được hương thơm. Ngược lại cho dù là tu sĩ, nếu không sống và thực hành theo giáo pháp, vẫn không được chi cả.
Hương thơm ở đây là sự giải thoát mọi ràng buộc là hạnh phúc an lạc trong tâm hồn… Muốn được thọ nhận hương thơm ấy, người ta phải tự vun trồng, tạo dựng. Nhưng trong cuộc sống rộn ràng, náo nhiệt của phố thị xa hoa, làm sao tìm được an lạc thảnh thơi trong tâm hồn? Nghĩa là làm sao nhận được mùi hương?
Bản chất của hương vô tư, tự tại không phân biệt không gian, hoàn cảnh. Có vun trồng được thân cây thì hoa sẽ nở, mà hoa nở thì hương có .
Nơi đời sống ồn ào, náo nhiệt, tâm tư an lành của chúng ta vẫn có, nhưng có rất ít, chớ không phải không có. Nếu nói hoàn toàn không có an lạc thì làm sao ta sống nổi khi phải luôn luôn đối diện với mọi trần lao nghịch cảnh; và làm sao mọi người chung quanh ta chịu đựng được khi tâm tư, đầu óc ta toàn chứa những phiền não giận thù.
Tâm tư con con người không khác mặt đại dương, lúc thì im lặng như mặt hồ, lúc thì ầm ầm nổi sóng. Tuy thế không phải là không có nguyên nhân. Gió đứng thì nước yên, gió thổi thì nước động. Hiểu được nguyên nhân, nhận ra hậu quả ta sẽ có được phương pháp giảm trừ, hóa giải. Ta vẫn sống và sinh hoạt bình thường, nhưng tâm hồn, tư tưởng ta nên đặt vào một định hướng. Hướng ấy là cách sống phù hợp với lẽ sống, không hại người hại vật. Không gây chia rẽ mọi người không buông lung phóng đảng và luôn luôn yêu thương tất cả.
Để hướng đi tạo dựng bông hoa tươi đẹp, trở nên bất diệt, ta cần tìm hiểu vun trồng thêm bông hoa tuệ giác của vườn hoa giác ngộ Phật Đà.Vườn hoa giác ngộ kia không phải mất công tìm kiếm ở nơi nào xa xôi, mà ngay ở đây, ở chính nơi ta, ở chỗ gần nhất của tâm hồn, của con tim từ bi, của tấm lòng mẫn tiệp.
Ta sống ở cõi Ta Bà này tuy là cõi trược mà vẫn tạo được cho chính mình một nụ hoa thơm, đó là do biết áp dụng đúng vào giáo lý Phật Đà. Tuy vậy chúng ta cũng cần bồi đắp mãi nụ hoa thơm đó, để làm nhân cho đóa hoa tuyệt diệu và bất diệt trong tương lai.
Phương pháp gieo trồng nhân duyên cho đóa hoa bất diệt có rất nhiều, mà pháp dễ hành nhất trong thế giới ngày nay Phật dạy là pháp niệm lại tánh giác của mình. Niệm lại tánh giác nghĩa là niệm Phật.
Niệm Phật là tạo thêm vườn hoa đẹp trong vườn hoa đã sẵn có của mình. Nếu ai đó trong đời chưa từng tạo cho mình một hương hoa thơm nào, thì ngay bây giờ hãy nên niệm tánh giác của mình để kịp làm nhân cho vườn hoa hiện tại và tương lai. Và nếu có ai đã lỡ tạo nhân hoa không lành, hương hoa không tịnh thì lại càng nên sớm mau khơi dậy tánh giác, trồng niệm hoa thơm để hương hoa tinh khiết phủ trùm hương bất tịnh và biến tất cả hương hoa trong vườn thành hương hoa thanh tịnh giải thoát, như trong kinh Quán Phật Tam Muội, Phật dạy về công đức và công năng của niệm Phật như sau: Vua Tịnh Phạn bạch Phật, người gắng công niệm Phật thì trạng thái như thế nào? Phật đáp phụ vương rằng “Như rừng Y-Lan vuông bốn mươi do tuần, có một cây Ngưu-Đầu-Chiên Đàn, tuy có rễ mầm, nhưng chưa mọc ra khỏi mặt đất, rừng Y-Lan kia chỉ có mùi thúi mà không có mùi thơm. Nếu có người nhai nuốt hoa trái của cây kia thì phát điên cuồng mà chết. Sau đó mầm rễ cây Chiên-Đàn từ từ sanh trưởng rồi thành cây, hương thơm bát ngát, biến cãi được không khí rừng Y-Lan này trở nên hương sắc thơm đẹp, mọi người thấy đó liền sanh tâm hoan hỷ hy hữu…” Phật lại nói với Phụ Vương rằng: “Tất cả chúng sanh ở trong sanh tử, có lòng niệm Phật cũng lại như vậy. Chỉ khéo hay gìn giữ tâm không dừng nghĩ, nhất định sanh trước Phật; quyết được vãng sanh, tức là có thể cải biến tất cả điều ác, sanh đại từ bi. Như cây thơm kia có thể cải biến cả vườn Y-Lan vậy.”
Phật dạy như thế chúng ta rõ thêm rằng, mỗi người chúng ta ai ai cũng sẵn có một vườn hoa và cũng có thể biến tạo cho mình một vườn hoa thuần mùi hương giải thoát. Và sự bồi đắp cho vườn hoa thanh tịnh đó không gì dễ hơn là niệm lại tánh giác gieo trồng hương niệm Phật vậy.
Tác giả: Thích Phổ Luân