Lời mở đầu
Trong thời đại hiện nay và nhất là đối với hàng cư sĩ tại gia, Niệm Phật có thể nói là con đường tất yếu để ra khỏi sinh tử. Đây là Pháp Môn Tha Lực duy nhất trong Phật Pháp mà điểm then chốt là tin tưởng tuyệt đối vào Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà.
Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà là dùng Danh Hiệu của Ngài để cứu độ tất cả chúng sanh. Không hiểu rõ lý nầy, người ta thường cho rằng Xưng Danh là để cho hạng hạ căn không đủ căn cơ để tu những pháp môn như Quán Thật Tướng, Quán Tưởng, Quán Tượng, v.v… Và khi tu Niệm Phật thì phần nhiều đều mang tâm niệm tự lực, vẫn cứ trông cậy vào sức mình để được vãng sinh. Đó là Tự Lực Niệm Phật. Bởi thế, tu rất nhọc nhằn mà cũng không chắc là mình có được vãng sinh hay không. Những ngộ nhận nầy chính dịch giả cũng mắc phải. Hơn một năm trước đây, may mắn thay, gặp được tác phẩm Pháp Nhiên Ngữ Đăng Lục. Như kẻ mù được sáng, người sắp chết đuối gặp phao. Hốt nhiên tín tâm phát khởi, nhận ra lý Tha Lực Niệm Phật. Từ đây, Niệm Phật trở thành một niềm vui không thể nghĩ bàn, vãng sinh Cực Lạc là điều chắc chắn chứ không cần đến lúc lâm chung. Do đó, xin chọn những pháp ngữ tinh yếu của Ngài để dâng tặng người hữu duyên.
Xin nguyện rằng hễ ai đọc đến, đều phát khởi tín tâm, niệm Phật mà được vãng sinh Cực Lạc.
TIỂU SỬ NGÀI PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN
Pháp Nhiên Thượng Nhân là Khai Tổ của Tông Tịnh Độ Nhật Bản. Ngài sinh năm 1133. Thân phụ của ngài là một vị quan thời đó. Do đã quá tứ tuần mà vẫn chưa có con nối dõi, nên cha mẹ Ngài đã trai giới thanh tịnh rồi vào chùa tụng kinh 7 ngày đêm để xin Phật gia hộ. Đến đêm thứ bảy, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, mẹ Ngài thấy một lão tăng đưa cho bà một con dao dùng để cạo đầu người xuất gia, bảo bà nuốt. Sau đó bà hoài thai. Cha Ngài đã đoán rằng sẽ sinh con trai và sau này xuất gia làm một Đại sư lỗi lạc. Từ khi mang thai Ngài, thân tâm của mẹ ngài trở nên an lạc lạ thường, bà phát tâm ăn chay trường và thâm tín Tam Bảo.
Khi đản sinh Ngài, có hai luồng hào quang ở trên không chiếu xuống, tiếng chuông lảnh lót. Đầu Ngài vuông vắn có góc, mắt hai tròng, tướng mạo phi phàm.
Năm Ngài lên chín, phụ thân ngài bị địch quân sát hại. Trước khi qua đời kêu Ngài đến và dạy rằng : “Nầy con! Đây là túc nghiệp của cha, tuyệt đối không nên ôm hận báo thù. Hãy nhớ rằng oán không thể diệt oán. Nếu mang cái tâm báo thù thì đời đời kiếp kiếp sẽ giết hại lẫn nhau không bao giờ dứt. Mình biết đau thì người khác cũng biết tiếc mạng sống. Con sau này thành nhân hãy cầu vãng sanh Cực Lạc, lợi lạc bình đẳng cho người và mình!”. Dặn dò xong xuôi cha ngài lớn tiếng niệm Phật mà an ổn qua đời.
Năm 14 tuổi, tuân theo di ngôn của thân phụ, ngài xuất gia với Pháp sư Giác Quán ở chùa Bồ Đề tại quê nhà. Ngài huệ giải mẫn tiệp, nhất văn thiên ngộ. Pháp sư Giác Quán thấy Ngài khí lượng bất phàm, không nỡ đề Ngài bị mai một, nên đưa Ngài lên Tỷ Duệ Sơn một tự viện nổi tiếng ở kinh đô để tham học với Pháp sư Nguyên Quang.
Đến ở Tỷ Duệ Sơn không bao lâu thì Pháp sư Nguyên Quang bảo rằng: “Đây là tuấn mã. Không thể để uống phí ở đây!” Rồi đưa ngài đến A xà lê Hoàng viên, một bậc Tông sư của Tông Thiên Thai thời đó. Vừa thấy Ngài Tổ Hoàng Viên đã nói rằng: “Hồi hôm ta nằm mộng, thấy một vầng trăng tròn chiếu vào chùa. Phải chăng đây là điềm lành báo trước”. Rồi thu nhận Ngài làm đệ tử, bấy giờ Ngài mới 15 tuổi. Chưa đầy 3 năm sau, Ngài đã thấu triệt tất cả những áo diệu của giáo pháp Thiên Thai. Tổ Hoàng Viên đã có ý trao truyền Tổ vị cho Ngài. Nhưng Ngài không muốn bị ràng buộc bởi danh lợi nên quyết tâm ra đi. Năm 18 tuổi, Ngài ẩn tu ở núi Hắc Cốc, tham học với Hòa Thượng Duệ Không, một bậc Tông Tượng của Mật Tông thời bấy giờ. Thấy Ngài khí độ phi phàm, dù rằng tuổi còn nhỏ mà không cần phải sách lệ, nên đặt pháp hiệu cho Ngài là Pháp Nhiên (có nghĩa là “Pháp vốn như vậy”), và pháp danh là Nguyên Không (lấy chữ “Nguyên” của Đại sư Nguyên Quang và chữ “Không” của Đại sư Duệ Không). Tại đây Ngài được truyền thụ Viên Thừa Đại Giới và Du Già Bí Pháp.
Không những thông tuệ, Ngài còn rất hiếu học. Tất cả Kinh, Luật, Luận đều được Ngài duyệt đọc cẩn thận. Ngài còn nghiên cứu tường tận về mọi tông phái. Không những thế, Ngài lại đọc khắp bách gia của cả Trung Hoa lẫn Nhật Bản. Ngài từng nói rằng: “Bất cứ kinh điển hay sách vở gì, hễ tôi đọc qua vài lần là tự nhiên thấu triệt, không cần phải suy nghĩ”. Bởi thế, Ngài tinh thông mọi Tông pháp mà không cần phải học với ai cả. Ngài duyệt đọc Đại Tạng cả thảy 5 lần và được đương thời tôn xưng là Trí Huệ Đệ Nhất.
Về phương diện tu hành, Ngài cũng có rất nhiều chứng nghiệm. Có lần Ngài nhập thất 21 ngày tu Pháp Hoa Tam Muội, cảm đức Phổ Hiền cưỡi voi trắng đến chứng minh, Sơn Vương Thần Tướng hiện hình thủ hộ. Khi Ngài duyệt đọc kinh Hoa Nghiêm, có con rắn nhỏ màu xanh nằm khoanh trên bàn. Thị giả Tín Không thấy vậy rất sợ hãi, dùng cây đem rắn ra ngoài. Khi trở vào lại thấy nằm nguyên ở chỗ cũ. Đêm đó Tín Không nằm mộng thấy một con rồng lớn đến bảo rằng: “Tôi là Long Thần thủ hộ kinh Hoa Nghiêm, xin đừng sợ hãi”.
Mỗi lần Ngài nhập thất tu Chân ngôn Mật quán là cảm ứng các điềm lành như liên hoa, bảo châu, yết ma và v.v… hiện ra. Rất nhiều lần Ngài đọc kinh ban đêm mà không cần đốt đèn. Ánh sánh phát ra từ trán của Ngài hoặc từ trong thất. Những điều lạ thường như trên, kể ra không xiết. Nhưng dù vậy Ngài vẫn còn băn khoăn chưa thật sự an tâm. Trong cả Đại Tạng Kinh, Ngài hâm mộ nhất là Bộ “Quán Kinh Sớ” của Tổ Thiện Đạo. Ngài đọc đi đọc lại nhiều lần và bỗng nhiên ngộ được ý chỉ DI ĐÀ SIÊU THẾ NGUYỆN. Ngài vô cùng hoan hỷ, chẳng khác gì trong đêm tối mà gặp được minh đăng. Ngài lập tức xả bỏ tất cả những pháp môn đã và đang tu, rồi nhập thất chuyên tu Tịnh Độ, Niệm Phật, có đêm Ngài nằm mộng thấy Đại sư Thiện Đạo đến bảo với Ngài rằng: “Tôi là sư Thiện Đạo đời Đường. Ông có thể hoằng dương Chuyên tu Niệm Phật, nên tôi đến để chứng minh. Từ nay ông có thể hoằng pháp thịnh hóa khắp cả bốn phương”.
Năm 43 tuổi, Ngài rời Hắc Cốc đến trụ tích ở Đông Cát Thủy và khai sáng Tông Tịnh Độ. Trước đó tuy có không ít người Niệm Phật, nhưng không có Tông Tịnh Độ riêng biệt. Từ đây Tông Tịnh Độ xuất hiện và liên tục truyền thừa cho đến thời hiện đại ở Nhật Bản. Đây là một điểm đặc sắc cần lưu ý, vì ở Trung Hoa không hề có Tông Tịnh Độ, và dĩ nhiên không có sự kế thừa. Các Đại sư hoằng dương Tịnh Độ ở Trung Hoa có tính cách tự phát và chỉ ở trong đời của các Ngài mà thôi. Từ khi Ngài khai xướng Tông Tịnh Độ, những cảm ứng linh dị cũng nhiều không kể xiết. Xin kể đôi điều để tăng lòng kính tín.
Đương thời Tể tướng Đằng Nguyên Kiêm Thực rất ngưỡng mộ Thượng Nhân. Có lần thỉnh ngài vào điện Nguyệt Luân để tham vấn về Tịnh Tông Yếu nghĩa, giảng xong Ngài từ biệt ra về, khi đi đến cây cầu ở trước điện, tể tướng quỳ lạy dưới đất không cầm được nước mắt, giây lâu mới quay lại hỏi các người tùy tùng: “Vừa rồi các người có thấy Thượng Nhân trên đầu có hào quang, dưới chân có hoa sen đỡ rời khỏi mặt đất, hình dáng giống như Đức Đại Thế Chí hay không?”. Có người thấy, có người không. Từ đó cầu này được đặt tên là cầu Viên Quang.
Có lần cử hành Niệm Phật thất 21 ngày ở Chùa Linh Sơn. Vào nửa đêm ngày thứ 5, có vài người thấy Đức Đại Thế Chí cùng với đại chúng kinh hành Niệm Phật nên vội đảnh lễ. Giây lát ngước lên thì hình Đức Đại Thế Chí biến thành hình Thượng Nhân. Do đó mới biết rằng ngài là hóa thân của Đức Đại Thế Chí.
Từ khi Thượng Nhân sáng lập Tông Tịnh Độ thì cơ hóa độ thịnh hành vô cùng. Từ vua chúa công khanh cho đến hạng dân giả đều qui ngưỡng Ngài. Và hẳn nhiên cũng không thiếu kẻ ganh ghét Ngài. Do lỗi lầm của đệ tử, Ngài bị vu cáo và phải bị đi đày một thời gian ngắn. Nhưng Ngài vẫn an nhiên dạy Đạo cho bất cứ ai đến tham vấn mà không hề phân biệt. Cũng nhờ lần đi đày này mà nhiều người có dịp gặp Ngài và được vãng sanh.
Ngài vãng sanh vào lúc giữa trưa ngày 25 tháng 2 năm 80 tuổi (1212). Trước đó vài ngày, ngài nói với các đệ tử:
“Tiền thân của Thầy là một vị tăng ở bên Thiên Trúc (Ấn độ cổ thời), thường tu hạnh đầu đà. Nay đến chốn này học Thiên Thai Tông, sau rốt mở Tịnh Độ Tông, hoằng dương Niệm Phật.”
Đệ tử Thế Quán hỏi: Thưa Thầy! Là vị nào?
Ngài đáp: Là ông Xá Lợi Phất.
Lại có đệ tử khác hỏi: Thầy nay có vãng sanh về Thế giới Cực Lạc không?
Ngài đáp: Thầy vốn là người của Cực Lạc thì dĩ nhiên trở về Cực Lạc.
Các đệ tử thiết trí tượng Đức Phật A Di Đà và xin Ngài chiêm ngưỡng. Ngài lấy tay chỉ lên không mà nói rằng: “Phật hiện Chân thân kìa, các con có thấy không? Thầy mười mấy năm nay thường thấy Chân thân của Phật, Bồ Tát và Cực Lạc Trang Nghiêm, nhưng tuyệt đối không nói với ai. Nay sắp lâm chung, nên không ngại gì mà không nói cho các con biết”.
Ngày 22 các đệ tử đều đi nghỉ hết, chỉ còn một mình Thế Quán hầu Ngài. Có một người đàn bà đi xe đến và xin được gặp riêng Thượng Nhân. Hai người đàm đạo rất lâu. Khi bà ra về, Thế Quán rất lấy làm lạ nên mới đi theo sau, nhưng chẳng bao xa thì bà đột nhiên biến mất. Thế Quán vào hỏi Thượng Nhân. Ngài đáp: “Bà đó là phu nhân Vi Đề Hy!”.
Từ ngày 23 cho đến ngày 25, Ngài lớn tiếng Niệm Phật cùng với đại chúng để kết duyên lần cuối. Đến giữa trưa ngày 25, ngài đắp y Tăng già lê, đầu Bắc diện Tây (nằm nghiêng bên phải, mặt quay về phía Tây) tụng bài kệ sau rồi an nhiên thị tịch, thế thọ 80, tăng lạp 66.
“Quang minh biến chiếu,
Niệm Phật chúng sanh
Nhiếp thu bất xả”.
(Tạm dịch: Ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới.
Thu nhiếp chẳng rời chúng sanh Niệm Phật).
Trước khi Ngài thị tịch 5 ngày (ngày 20) mây ngũ sắc giống như tranh Phật che phủ chùa, khiến cho tất cả đại chúng được thấy đều rơi lệ. Các đệ tử nói rằng: “Đã có mây lành hiện ra thì Thầy sắp vãng sinh rồi”. Ngài bảo: “Lành thay! Những người được thấy nghe hẳn sẽ tăng trưởng tín tâm!”.
Sau khi Ngài vãng sinh 16 năm, các đệ tử mở kháp đá đựng di thể của Ngài thì toàn thân vẫn như cũ, dung mạo từ hòa. Đệ tử tăng tục hơn ngàn người hộ tống di hài Ngài về Tây Giao làm lễ trà tỳ. Trong khi làm lễ, mây lành hiện ra, hương thơm phảng phất trên các cây tùng nên từ đó nơi này có tên là “Tử Vân Tùng”, hiện nay là chùa Quang Minh. Tác phẩm quan trọng nhất của ngài là TUYỂN TRẠCH BỔN NGUYỆN NIỆM PHẬT TẬP 4 đang được chuyển dịch sang Việt ngữ.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
CÁC HẠNH VÃNG SANH, NIỆM PHẬT ĐỆ NHẤT
1) Thánh Đạo Môn tuy thâm diệu, nhưng thời điểm và căn cơ chẳng tương ứng. Tịnh Độ Môn hình như là nông cạn, nhưng thời điểm và căn cơ đều tương ứng. Thời Mạt Pháp một vạn năm, các kinh điển khác đều tiêu diệt, chỉ còn pháp môn niệm Phật A Di Đà để cứu độ chúng sanh.
2) Tông Tịnh Độ siêu hơn các tông. Hạnh Niệm Phật siêu hơn các hạnh. Bởi vì thâu nhiếp tất cả các cơ vậy.
3) Chẳng luận có tội hay vô tội, chẳng kể là trì giới hay phá giới, nếu căn cứ vào thời điểm và căn cơ thì chỉ có pháp môn Tịnh Độ (Hạnh Niệm Phật) là yếu pháp để thoát khỏi sinh tử trong đời này.
4) Để đời này thoát khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sinh Tịnh Độ. Để được vãng sinh Tịnh Độ, không gì hơn Niệm Phật.
5) Tu Niệm Phật để cầu vãng sinh Tịnh Độ, thì tương ứng với tâm của Đức Thích Ca, Đức A Di Đà. Tu các hạnh khác để cầu vãng sanh Tịnh Độ thì mâu thuẫn với tâm của Đức Thích Ca, Đức A Di Đà.
6) Để được vãng sinh cõi Cực Lạc, thì dù diệu hạnh gì chăng nữa cũng không hơn niệm Phật. Vì sao thế? Vì niệm Phật là hạnh tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà vậy.
7) Ngoài niệm Phật, tất cả hạnh khác đều chẳng tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà. Bởi vậy, tuy là diệu hạnh cũng không bằng niệm Phật. Muốn được sinh sang cõi nước đó, nên thuận theo Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà.
8) Niệm Phật là hạnh tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà, nên mười phương hằng sa chư Phật đều chứng thành. Các hạnh khác chẳng tương ưng Bổn Nguyện, nên chư Phật chẳng chứng thành. Bởi thế nên thường niệm Phật để mười phương chư Phật hộ niệm.
9) Kinh QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ chép rằng: “Quang minh soi chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp không rời các chúng sinh niệm Phật”. Quang minh của Đức A Di Đà chỉ soi chiếu người niệm Phật, chẳng soi chiếu người tu các hạnh khác. Bởi thế người cầu sinh sang cõi Cực Lạc phải biết Niệm Phật là trọng yếu.
10) Bổn Nguyện thâm trọng sau năm kiếp tư duy chép trong kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ là: “Chẳng kể thiện hay ác, chẳng quản trì giới hay phá giới, chẳng tính tại gia hay xuất gia, chẳng luận có trí hay không có trí. Chỉ pháp Đại Bi Bình Đẳng, nay đã thành Phật”. Trụ vào cái Tâm Tha Lực ( nguyện lực của Đức A Di Đà) mà Niệm Phật thì chỉ trong khoảnh khắc, đã được dự vào sự nhiếp thọ của Đức Phật A Di Đà.
11) Niệm Phật không có hình thức. Ngoài việc xưng Danh hiệu, không có hình thức. Ngoài việc xưng Danh hiệu, không có hình thức gì cả.
12) Niệm Phật hoàn toàn không có hình thức. Chỉ cần biết rằng: “Hễ xưng Danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì được sinh sang cõi Cực Lạc”, do đó chí tâm niệm Phật để cầu vãng sinh.
13) Niệm Phật lấy không hình thức làm hình thức. Chỉ biết rằng thường niệm Phật thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh mà vãng sinh sang cõi Cực Lạc.
14) Vấn đề niệm Phật tuy có nhiều ý nghĩa, nhưng xưng Lục Tự Hồng Danh ( NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ) thì đã bao hàm tất cả.
15) Niệm Phật chẳng phải là quán Pháp Thân Phật, chẳng phải là quán tướng hảo của Phật. Chỉ một lòng chuyên xưng danh hiệu Đức A Di Đà, đó là niệm Phật.
16) Chỉ biết rằng: “Bổn Nguyện của Đức A Di Đà chẳng hư dối, hễ xưng niệm danh hiệu của Ngài thì nhất định được vãng sinh”. Ngoài ra không cần nghĩ gì khác.
17) Tất cả căn cơ cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật để vãng sinh. Cái thân hiện nay do túc nghiệp đời trước mà có, nên trong đời này không thể thay đổi. Như người nữ mà muốn đổi thành người nam trong đời này thì không thể được.
Cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật. Người trí thì lấy trí mà niệm Phật vãng sinh. Người ngu thì dùng ngu mà niệm Phật vãng sinh. Có đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Không đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Người có tà kiến cũng niệm Phật vãng sinh.
Hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng, bậc có từ bi, hạng không có từ bi, do BỔN NGUYỆN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ, hễ niệm Phật thì đều được vãng sinh.
18) Hỏi: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật hơn kém ra sao?
Đáp: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật công đức bằng nhau không có hơn kém.
Hỏi: Chỗ này quả thật tôi không hiểu. Vì sao người xuất gia không gần đàn bà, ăn chay trường mà niệm Phật, do đó rất đáng quý. Người tại gia thường hay nghĩ đến sắc dục, ăn thịt uống rượu mà niệm Phật, hẳn nhiên là thấp kém. Làm sao mà bằng nhau được?
Đáp: Công đức bằng nhau không có hơn kém. Vì sao vậy? Người không biết BỔN NGUYỆN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ mới có nghi vấn này!
19) Anh Cát Đằng (một đệ tử tại gia thuộc hạng hạ lưu của Ngài) cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Pháp Nhiên nầy cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Hai bên hoàn toàn không khác gì nhau.
20) Niệm Phật của Pháp Nhiên nầy với niệm Phật của anh Cát Đằng hoàn toàn như nhau. Nếu cho rằng không giống nhau, là hoàn toàn không biết ý nghĩa của niệm Phật vậy. Như lấy gấm vóc mà gói vàng ròng, hoặc lấy vải dơ mà gói vàng thì cũng là vàng ròng cả.
21) Hỏi: Niệm Phật khi tâm thanh tịnh với niệm Phật khi tâm động hơn kém ra sao?
Đáp: Công Đức bằng nhau, không có gì sai khác!
22) Hỏi: Tôi tuy niệm Phật mà tâm cứ tán loạn không biết làm sao đây?
Đáp: Chuyện đó thì Pháp Nhiên nầy cũng làm không nổi!
23) Tâm của hạng phàm phu làm sao mà không tán loạn được. Cũng chính vì thế mới gọi là Pháp Môn Dễ Tu.
24) Đã sinh làm người trong cõi dục giới tâm địa nầy thì tâm đều tán loạn cả. Nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sinh được thì thật là vô lý.
Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh, đó là chỗ đáng quý của BỔN NGUYỆN vậy.
25) Chẳng phải thanh tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp chướng nầy rồi mới niệm Phật, mà do thường niệm Phật thì tội chướng tiêu diệt.
26) Dù trọng tội vô gián (ngũ nghịch) cũng không thể thắng công đức xưng Danh. Thanh bảo kiếm là Danh hiệu Đức A Di Đà, hễ trì niệm thì ma duyên không gần được. Thường xưng niệm Danh hiệu Ngài thì tội chướng tiêu diệt.
27) Trong khi niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ có chí nguyện vãng sinh mà Niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổi, vẫn là cha con.
28) Lấy người Niệm Phật mà thí dụ cho hoa sen, vì hoa sen là nghĩa không ô nhiễm. Đối với Danh hiệu của Bổn Nguyện Thanh Tịnh (NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT) thì sự dơ bẩn của thập ác, ngũ nghịch không thể làm ô nhiễm được nên mới thí dụ như thế.
29) Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn… mà chỉ chuyên cần xưng Danh hiệu. Nếu thường xưng Danh hiệu thì do công đức của Phật Danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp (thân, khẩu, ý) tự điều hòa, nguyện tâm tự phát. Bởi thế:
“Khi nguyện tâm còn yếu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tâm tán loạn nhiều, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi vọng niệm sinh khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thiện tâm phát sinh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi bất tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thanh tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm còn thiếu kém, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm hiện khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm thành tựu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật”.
Đây là phương tiện để chắc chắn được vãng sinh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên.
30) Trong nhãn quan của Pháp Nhiên thì:
“Tam tâm cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Ngũ niệm cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Tứ tu cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”.
31) Người làm biếng Niệm Phật là người đánh mất đi vô lượng châu báu.
Người siêng năng Niệm Phật là người khai mở vô biên sáng suốt.
Nên dùng cái tâm cầu vãng sinh mà tương tục Niệm Phật.
32) Danh lợi là dây trói của sinh tử, là lưới sắt để vướng vào ba đường dữ. Xưng Danh là đôi cánh của vãng sinh để lên chín phẩm liên đài.
33) Chúng ta là người bị kẻ thù “tham, sân, phiền não” cột trói mà giam hãm trong lồng chậu tam giới. Hãy nghĩ đến lòng từ bi của Cha Lành A Di Đà, dùng thanh bảo kiếm Danh hiệu mà chặt đứt dây trói sinh tử, lên con thuyền Bổn Nguyện để vượt biển luân hồi, đến bờ Giác Ngộ.
Nước mắt hoan hỷ rơi ướt áo, lòng mong mỏi không nguôi.
34) Đã được thân người khó được, nếu tương lai để rơi vào ba đường dữ thì đáng buồn, đáng tiếc vô cùng.
Chán cõi dơ, ưa Tịnh Độ, bỏ ác tâm, phát thiện tâm thì được tam thế Chư Phật tùy hỷ.
Con đường để ra khỏi sinh tử tuy chẳng giống nhau, nhưng trong thời mạt pháp thì Xưng Danh Đức Phật A Di Đà là hơn cả.
Hạng tội chướng nặng nề ngu si ám độn đi nữa, nếu chịu trì Danh thì sẽ được vãng sinh, vì tương ưng Bổn Nguyện nhiếp thọ của Đức Phật A Di Đà vậy.
Tội chướng nặng nề hãy đừng mặc cảm, vì ngũ nghịch; thập ác cũng được vãng sinh. Dù mười niệm hay một niệm đi nữa, hễ chí tâm thì Phật lai nghinh.
35) Hạnh Trì giới (mà không xưng Danh Hiệu A DI ĐÀ PHẬT cầu sinh Tịnh Độ) chẳng phải là hạnh mà Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà nhiếp thọ, do đó cứ theo khả năng của mình mà giữ là được rồi. Điều quan trọng là chuyên cần Niệm Phật.
36) Chẳng kể là phá giới hay giữ giới, giàu hay nghèo, căn cơ cao hay thấp. Hễ xưng niệm Danh hiệu Ngài thì như gạch ngói biến thành vàng ròng. Ngài nhất định lai nghinh.
Đó là thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà.
37) Người Niệm Phật dù không có chút thiện căn gì khác đi nữa, vẫn chắc chắn được vãng sinh.
Hỏi: Niệm Phật mà không phát bồ đề tâm thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không giữ giới thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không có trí tuệ thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà vọng niệm không ngừng thì làm sao được vãng sinh?
Đáp: Hỏi như vậy là vì không biết và hiểu kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ.
38) Phật có đại nguyện tiếp dẫn, chúng ta có lòng muốn sinh sang đó, làm sao mà chẳng toại nguyện vãng sinh?
39) Nếu đi bằng thuyền thì người sáng mắt hay kẻ đui mù đều có thể đến bờ bên kia.
Tuy có con mắt trí tuệ mà không Niệm Phật thì không phù hợp với Nguyện Lực.
Tuy ngu si ám độn mà có thể Niệm Phật xin được nương vào Nguyện Lực của Phật để được vãng sinh.
40) Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sinh mà Niệm Phật. Đó gọi là Tha Lực Niệm Phật. Cho rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sinh là điều sai lầm rất lớn.
41) Chẳng cần để ý là tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ, mà chỉ nên dùng miệng xưng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và phát khởi cái tâm quyết định! Nương Phật Thệ Nguyện chắc chắn vãng sinh!!!
42) Hạng vô trí, tội chướng Niệm Phật mà vãng sinh là ý chánh (mục đích chính) của Bổn Nguyện.
43) Thâm tâm tức là cái tâm tin sâu. Tin sâu điều gì? Tin rằng: Hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém, nhờ tin vào Nguyện Lực Đại Bi của Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc 100 năm, hoặc 45 năm, 20 năm, 10 năm, cho đến một hai năm. Từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung không thối chuyển. Hoặc 7 ngày, hoặc 1 ngày, cho đến 10 niệm, 1 niệm. Dù nhiều hay ít, người xưng danh Niệm Phật chắc chắn được vãng sinh.
Tóm lại, đối với chuyện vãng sinh mà không nghi ngờ thì gọi là “Thâm Tâm”.
44) Tuy được nghe Danh Hiệu mà không tin thì cũng như không được nghe. Tuy có tín tâm mà không xưng niệm thì cũng như không tin. Bởi thế nên một lòng Niệm Phật.
45) Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà là thệ nguyện dùng Danh Hiệu của Ngài để tiếp chúng sanh tội chướng. Do đó, người Niệm Phật (xưng danh hiệu Ngài) thì sẽ được lai nghinh. Đạo lý này tuyệt đối không thể nghi ngờ.
46) Hỏi: Chỉ xưng Danh một niệm mà có thể diệt được trọng tội ngũ nghịch, thập ác ư?
Đáp: Đừng nghi!
47) Khi tạo ngũ nghịch mà được nghe Danh Hiệu của Đức Phật A Di Đà thì hỏa xa (cảnh địa ngục) tự nhiên biến mất, liên đài hiện đến lai nghinh.
Người tội chướng nặng nề không có phương tiện gì khác để giải thoát, do xưng Danh Hiệu được vãng sinh Cực Lạc. Đó là nhờ vào Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà.
48) Hỏi: Niệm Phật lúc lâm chung với Niệm Phật lúc bình thường, bên nào thù thắng hơn?
Đáp: Giống nhau!
49) Phút lâm chung, nỗi khổ của cái chết bức bách, thân thể chịu vô lượng thống khổ, giống như trăm nghìn lưỡi dao đâm vào. Mắt mũi bỗng nhiên mờ mịt, muốn thấy cũng không thể thấy. Miệng lưỡi co cứng, muốn nói cũng không nói được.
Đây là tứ khổ trong tám sự khổ của kiếp người, dù người tu Niệm Phật, tin Bổn Nguyện, cầu vãng sinh chăng nữa cũng khó tránh khỏi nỗi khổ nầy. Nhưng dù mờ mịt, đến khi tắt thở, do Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà, sẽ thành chánh niệm mà vãng sinh.
Sát na lâm chung dễ như cắt sợi tơ, điều nầy người khác không biết được, chỉ có Phật và người tu Niệm Phật biết được mà thôi.
50) Người Niệm Phật mà có lòng cầu vãng sinh và không nghi A Di Đà Phật Bổn Nguyện thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh.
Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh.
Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chân chánh niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật Nguyện và cũng không hiểu kinh văn nữa.
51) Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng thì Phật A Di Đà phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ mà chịu khổ thì hết khổ. Người chết sau khi lâm chung được giải thoát.
52) Tuy biết rằng: “Dù tội ngũ nghịch cũng không chướng ngại vãng sinh” nhưng phải cẩn thận ngay cả tội nhỏ cũng chớ phạm.
Tuy biết rằng “một niệm cũng đủ” nhưng gắng niệm cho nhiều. Tin rằng một niệm cũng vãng sinh mà niệm suốt một đời.
53) Hỏi: Vì Bổn Nguyện không loại trừ kẻ ác, nên người ta đều muốn tạo ác nghiệp, làm sao đây?
Đáp: Phật A Di Đà tuy không bỏ rơi kẻ ác, nhưng người tạo ác nghiệp thì chẳng phải là đệ tử của Phật.
Tất cả Phật Pháp là để chế phục điều ác, vì hạng ngu si phàm phu không dễ gì làm được, nên khuyên Niệm Phật để diệt tội.
54) Đức Phật A Di Đà thương xót tất cả chúng sinh, dù thiện hay ác Ngài đều cứu độ. Nhưng thấy người lành thì Ngài vui, thấy kẻ ác thì Ngài thương xót.
55) Đáng thương thay! Thiện tâm tùy năm mà giảm, ác tâm theo ngày mà tăng!
Người xưa nói: “Phiền não như ảnh tùy thân, muốn bỏ mà không xong. Bồ Đề như trăng trong nước, muốn lấy mà không được”.
56) Hễ có tín tâm thì tội lớn cũng diệt, không có tín tâm thì tội nhỏ vẫn còn. Nên hổ thẹn là mình không có tín tâm!
57) Người tu Tịnh Độ trước hết nên biết hai điều nầy:
“Vì người có duyên dù phải bỏ thân mệnh, tài sản cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh Độ.
Vì sự vãng sinh của mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu mà chuyên tu hạnh Niệm Phật”.
Ngoài hai điều trên không tính toán gì khác.
58) Đã tu Tịnh Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo Niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho Niệm Phật, hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ.
Sống một mình không Niệm Phật được thì ở chung mà Niệm Phật. Sống chung không Niệm Phật được thì ở một mình mà Niệm Phật. Tại gia mà không Niệm Phật được thì xuất gia mà Niệm Phật. Xuất gia mà không Niệm Phật được thì tại gia mà Niệm Phật. Sống giữa đời không Niệm Phật được thì trốn đời mà Niệm Phật. Trốn đời không Niệm Phật được thì sống giữa đời mà Niệm Phật.
59) Nguyện rằng người tu Tịnh Độ gặp bệnh hoạn nên vui!
60) Thành Phật tuy khó nhưng cầu vãng sinh thì dễ được. Nhờ sức Bổn Nguyện làm cường duyên, nên tuy là phàm phu mà được vãng sinh Báo Độ (Thực Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ).
61) Một vị tăng ở Trấn Tây đi hành cước, khi đi ngang Cát Thủy Lư, ra mắt Pháp Nhiên Thượng Nhân, gặp lúc ngài đang Niệm Phật ở đạo trường nên thị giả tiếp khách.
Vị tăng hỏi: Trong khi xưng Danh hiệu, có nên để tâm mình vào tướng hảo của Phật hay không?
Thị giả đáp: Quả thật là nên.
Vừa lúc ấy ngài mở cửa đạo trường và nói: “Nguyên Không nầy (một pháp danh khác của Ngài) thì chẳng vậy”. Hãy nhớ rằng kinh dạy: “Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi dù chỉ có mười lần, nếu chẳng được vãng sinh, tôi sẽ không ở ngôi Chánh Giác”. ( Kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ).
Và Tổ Thiện Đạo dạy: “Đức Phật kia (Đức A Di Đà) nay đang tại thế thành Phật. Bởi thế nên biết rằng Bổn Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm thì tức nhiên được vãng sinh”. Theo thiển ý, dù quán tướng hảo của Phật chăng nữa cũng chẳng phải như thuyết quán.
Chẳng bằng nương tựa Bổn Nguyện, miệng xưng Danh hiệu là hơn cả, vì đó là hạnh chân thực ( hạnh tương ưng với Bổn Nguyện).
62) Có người hỏi rằng: Nhật khóa xưng danh sáu vạn, mười vạn lần mà chẳng như pháp: so với xưng danh hai vạn, ba vạn lần mà như pháp. Bên nào tốt hơn?
Ngài đáp: Hạng phàm phu loạn tưởng xưng danh ít lần mà như pháp tu hành, sự thật rất là khó. Chẳng bằng nhật khóa xưng danh cho nhiều. Chỗ trọng yếu của xưng danh là để tâm niệm tương tục, Niệm Phật không ngớt miệng là đủ, cần gì phải cho là như pháp hay chẳng như pháp ư!
63) Hỏi: Thường nghĩ đến chuyện “Bỏ ác tu thiện” mà Niệm Phật, so với thường nghĩ đến ý chỉ của Bổn Nguyện mà Niệm Phật. Điều nào hay hơn?
Đáp: Bỏ ác tu thiện tuy là lời răn chung của chư Phật, nhưng hạng phàm phu thời mạt pháp như chúng ta thường làm ngược lại!
Nếu chỉ tự mình mà chẳng nương vào Bổn Nguyện thì e rằng khó mà ra khỏi sinh tử.
64) Hỏi: Thiện Đạo Hòa Thượng cho rằng Thánh Đạo môn là giáo pháp phương tiện, xuất phát từ đâu?
Đáp: Cuốn PHÁP SỰ TÁN chép:
“Như Lai xuất hiện nơi ngũ trược.
Tùy nghi phương tiện dạy chúng sanh.
Hoặc nói “đa văn” mà được độ.
Hoặc thuyết “tiểu giải” chứng tam minh.
Hoặc dạy “phước huệ” cùng trừ chướng.
Hoặc giáp “thiền niệm” ngồi tư duy.
Tất cả pháp môn đều giải thoát.
Không hơn Niệm Phật vãng Tây Phương”.
Hỏi: Đã nói rằng: “Tất cả pháp môn đều giải thoát”, sao lại lấy đoạn văn nầy làm chứng cứ?
Đáp: Ở trên nói: “Tùy nghi phương tiện dạy chúng sanh”, kế đến là “Tất cả pháp môn đều giải thoát”, và cuối cùng là “Không hơn Niệm Phật vãng Tây Phương”. Rõ ràng là ngoài Niệm Phật vãng sinh ra, tất cả đều là phương tiện.
65) Thánh Đạo Môn (các tông phái khác) đều tu cái “nhân” của tam thừa, tứ thừa để được cái “quả” của tam thừa, tứ thừa. Do đó không thể so sánh với hạnh Niệm Phật. Còn trong Tịnh Độ Môn thì các hạnh (đọc tụng kinh điển, lễ bái, quán tưởng, quán tượng…) và hạnh Niệm Phật đều là “nhân” để vãng sinh nên có thể so sánh.
Nhưng các hạnh đều chẳng phải tương ưng với A Di Đà Phật Bổn Nguyện, do đó quang minh của Đức A Di Đà chẳng thu nhiếp, mà Đức Thích Ca cũng chẳng phó chúc. Bởi thế Thiện Đạo Đại Sư dạy: “Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với Niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh nổi”.
66) Các Đại sư hoằng dương Pháp môn Tịnh Độ thời nào cũng có nhiều, tất cả đều khuyên người tu Tịnh Độ phát Bồ Đề Tâm và đều lấy hạnh “Quán Tưởng” làm chánh. Chỉ duy một mình Đại sư Thiện Đạo cho rằng không phát Bồ Đề Tâm cũng được vãng sinh và nhận định rằng hạnh “Quán Tưởng” chỉ là trợ nghiệp cho hạnh “Xưng Danh” mà thôi. Theo thiển ý, người tu Tịnh Độ nếu không tuân theo ý của Ngài Thiện Đạo thì e rằng khó được vãng sinh. Hãy ghi nhớ!
67) Một đệ tử hỏi: Nếu trí tuệ là điều cần yếu để vãng sinh thì con người minh mẫn theo thầy học. Còn nếu chỉ cần xưng danh là đủ thì không mong gì khác. Xin Thầy từ bi khai thị cho, con sẽ tuyệt đối vâng theo như lời Phật dạy vậy.
Ngài đáp: Chánh nghiệp vãng sinh thì trọng yếu là xưng danh. Rõ ràng là chẳng phân biệt có trí tuệ hay không có trí tuệ, cần gì phải học hành cho lắm! Chi bằng cứ lo Niệm Phật, thì sẽ mau được vãng sinh Tịnh Độ, gặp mặt Thánh chúng, được nghe pháp môn. Hơn nữa cõi kia trang nghiêm, ngày đêm thuyết pháp sâu xa, do đó sẽ tự nhiên khai phát thắng giải mà chứng Vô Sinh Nhẫn. Nếu chưa biết ý nghĩa của Niệm Phật vãng sinh thì học cho biết, đơn sơ là đủ. Nếu ham học rộng, biết bao nhiêu cho cùng. Hãy siêng năng Niệm Phật là hơn cả.
68) Thọ giáo và phát tâm không hẳn là cùng lúc, vì phát tâm thì gặp duyên mà phát khởi. Trước đây có một vị sơn tăng hỏi tôi rằng: “Tôi học pháp môn Tịnh Độ đã lâu, hiểu được đôi chút nhưng chưa phát khởi được tín tâm. Phải dùng phương tiện gì để thành lập tín tâm?”.
Tôi đáp: “Hãy cầu nguyện Tam Bảo gia bị”. Vị tăng kia tuân theo lời dạy. Một hôm ông ấy đến chùa Đại Đông, gặp lúc đang gác cây đòn dông ở chánh điện. Ông bèn đứng xem, bỗng nhiên tín tâm phát khởi rồi tự nhủ rằng: “Nếu không có sự tính toán khéo của người thợ thì làm sao cây đòn dông lên đó được?! Người thợ tầm thường còn vậy huống gì sức thiện xảo không thể nghĩ bàn của Như Lai! Mình có cái chí nguyện vãng sinh, Phật có lời thề tiếp dẫn. Vãng sinh Tịnh Độ hẳn nhiên là tương ứng!”
Từ đó không còn tâm nghi ngờ nữa. Sau nầy ông có đến cho tôi biết. Ba năm sau thì được vãng sinh, điềm lành rất nhiều. Bởi thế nên thường cầu nguyện Tam Bảo gia bị.
69) Yếu đạo để hạng phàm phu thoát khỏi sinh tử không gì hơn Môn Tịnh Độ, hạnh Niệm Phật. Nói về căn cơ thì bao gồm thập ác, ngũ nghịch, tứ trọng, báng pháp, xiển đề, phá giới, v.v… Nói về hạnh thì mười tiếng hay một tiếng, ngay cả trẻ con cũng xưng được.
Nói về tín thì một niệm hay mười niệm, kẻ ngu cũng làm được. Bổn Nguyện vốn vì “mười phương chúng sinh” mà có, không để sót bất cứ căn cơ nào, không bỏ rơi bất kỳ ai. Trong mười phương chúng sinh, thì có trí hay vô trí, có tội hay vô tội, phàm phu hay Thánh nhân, trì giới hay phá giới, người nam hay người nữ, ông già hay trẻ con… cho đến căn cơ của thời Tam Bảo đã diệt đều bao gồm cả. Hễ gặp được Bổn Nguyện, được nghe Danh Hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và tin theo mà Niệm Phật thì Đức Phật A Di Đà dùng Quang Minh Biến Chiếu thu nhiếp chẳng rời.
Hạng tội nặng nghiệp dày, u minh ám chướng lại càng nên nương vào A Di Đà Phật Bổn Nguyện. Vì sao vậy? Lý do là vì A Di Đà Bổn Nguyện vốn vì phàm phu, chớ không phải vì Thánh nhân.
70) Năm điều quyết định chuyện vãng sinh:
1) Bổn Nguyện của Đức A Di Đà quyết định.
2) Lời dạy của Đức Thích Ca quyết định.
3) Sự chứng minh của Chư Phật quyết định.
4) Giáo thích của Tổ Thiện Đạo quyết định.
5) Tín tâm của chúng ta quyết định.
Do năm nghĩa trên quyết định vãng sinh.
71) Niệm Phật là chuyện mình làm. Vãng sinh là chuyện Phật làm. Vãng sinh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh.
72) Tuy tam học “Giới, Định, Huệ” hoàn toàn đầy đủ, nhưng nếu không nương Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà mà xưng Danh hiệu Ngài thì không được vãng sinh. Tuy không có “Giới, Định, Huệ”, mà một mực xưng Danh thì chắc chắn được vãng sinh.
73) Hỏi: Vấn đề tự lực và tha lực nên hiểu như thế nào?
Đáp: Pháp Nhiên nầy, tuy không phải là loại căn khí, có thể ra mắt Điện Hạ (Thiên Hoàng) nhưng do Điện Hạ triệu vào. Hai lần vào ra mắt không phải là do khả năng của tôi, mà do sức của Thiên Hoàng, huống gì là sức của Đức Phật A Di Đà!
Chuyện Ngài lai nghinh để tiếp dẫn người xưng Danh là Bổn Nguyện của Ngài, điều nầy thật dễ hiểu.
Những người tội chướng vô trí, không nên hoài nghi vãng sinh. Nếu mà nghi ngờ là hoàn toàn không biết gì về Phật Nguyện cả. Bổn Nguyện được phát ra là để cứu những người tội chướng vậy. Bởi thế hãy nỗ lực xưng Danh chớ khá nghi ngờ. Chỉ sợ không ưa cõi Cực Lạc, không tin Niệm Phật thì sẽ chướng ngại vãng sinh.
Vì vậy gọi là “Tha Lực Nguyện”, là “Siêu Thế Nguyện”.
74) A Di Đà Bổn Nguyện phát ra không phải vì hạng thiện nhân có phương tiện, có thể dùng tự lực để thoát ly sinh tử mà là vì hạng ác nhân tội chướng không có phương tiện để giải thoát.
Những hàng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào đó mà cầu vãng sinh. Hạng thiện nhân phàm phu cũng hướng về lời nguyện nầy mà được vãng sinh, huống gì hạng ác nhân phàm phu lại càng nên nương vào Tha Lực nầy chớ nên hiểu sai lầm mà bám chấp vào tà kiến. Hãy nhớ A Di Đà Bổn Nguyện căn bản là vì hạng phàm phu mà gồm luôn cả Thánh Nhân nữa. Xin hiểu rõ lý nầy.
75) Tu Thánh Đạo Môn thì tột cùng trí tuệ để lìa sinh tử. Tu Tịnh Độ Môn thì trở lại ngu si để vãng sinh. Bởi thế khi hướng về Thánh Đạo Môn thì trau dồi trí tuệ, giữ cấm giới, rèn luyện tâm tánh làm tông chỉ.
Còn bước vào Tịnh Độ Môn thì chẳng dựa vào trí tuệ, chẳng lo tròn đạo hạnh, chẳng cần điều hòa tâm tánh, mà chỉ tự thấy mình là người vô năng, vô trí; cần nương vào Bổn Nguyện mà Niệm Phật mà cầu vãng sinh.
1) Muốn mau lìa sinh tử: Trong hai loại thắng pháp; Bỏ qua Thánh Đạo Môn, mà vào Tịnh Độ Môn.
2) Muốn vào Tịnh Độ Môn; Trong hai hạnh Chánh, Tạp; Hãy bỏ các Tạp hạnh, mà quay về Chánh Hạnh.
3) Muốn tu nơi Chánh Hạnh; Trong hai Chánh; Trợ Nghiệp; Chớ dính nơi Trợ Nghiệp; Hãy nên chuyên Chánh Định.
4) Chuyên tu Chánh Định Nghiệp; Tức là Xưng Phật Danh; Xưng Danh tất vãng sinh; Bởi do Phật Bổn Nguyện.
77) Yếu đạo để ra khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sinh Tịnh Độ. Hạnh tu để vãng sinh Tịnh Độ tuy nhiều, không gì hơn Xưng Danh. Vì xưng Danh là hạnh tương ưng với A Di Đà Bổn Nguyện. Bởi vậy Hòa Thượng Thiện Đạo dạy rằng:
“Kinh VÔ LƯỢNG THỌ” chép: “Khi tôi thành Phật, nếu mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi, dù chỉ mười lần mà không được vãng sinh thì tôi chẳng ở ngôi Chánh Giác. Đức Phật kia hiện tại thế thành Phật. Nên biết rằng Bổn Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm, tất nhiên được vãng sinh”. Do đó ngoài xưng Danh không cần quán tưởng gì khác.
Hiểu và tin như trên, lâm chung chắc chắn Phật lai nghinh. Nếu bình thường đã xưng Danh tích lũy công đức thì dù cho lúc lâm chung không xưng được Phật Danh vẫn quyết định vãng sinh.
78) Đệ tử Nhất Hiền Chân hỏi: Thưa Thầy! Để mau chóng lìa khỏi sinh tử, thì Chân Ngôn (Mật Tông), Chỉ Quán (Thiên Thai), Hoa Nghiêm, Phật Tâm (Thiền Tông) phải thâm diệu hơn Tịnh Độ chứ?
Ngài đáp: Pháp môn thì vô lượng nhưng luận về chỗ cấp yếu, thì tối thượng là Tịnh Độ. Các giáo pháp tuy nhiều nhưng xét đến chỗ cương yếu, thì Tha Lực Đốn Giáo thù thắng hơn cả. Vì dễ tu mà công cao, dễ hành mà lý thâm. Bởi thế Tổ Huệ Viễn nói rằng: “Các môn Tam Muội tuy nhiều nhưng công cao mà dễ tu thì Niệm Phật là hơn cả”.
Ngài Nguyên Chiếu nói rằng: “Niệm Phật Tam Muội là pháp để hạng phàm phu ngu độn trong sát na siêu việt thành Phật. Cho thấy rằng Tịnh Độ Giáo Pháp, Niệm Phật Tam Muội là Đại Thừa, Chí Cực, Tốc Tật, Giải Thoát”.
79) Khai thị của Pháp Nhiên Thượng Nhân cho đệ tử lúc lâm chung: “Thầy mấy chục năm nay, công phu Niệm Phật tích lũy, được bái kiến Cực Lạc trang nghiêm và Chân Thân của Phật, Bồ Tát là chuyện bình thường. Nhưng nhiều năm giữ kín mà không nói ra, nay đã đến lúc tối hậu nên bày tỏ đôi chút. Thầy nếu đoan tọa (ngồi kiết già) mà vãng sinh, người đời hẳn nhiên bắt chước. Mà cái thân người bệnh, cử động khó khăn, e rằng họ sẽ mất chánh niệm. Vì vậy nay Thầy nằm thẳng mà ra đi. Bổn Sư Thích Tôn đã thị hiện đầu Bắc, diện Tây (nằm nghiêng bên phải, đầu hướng Bắc, mặt hướng Tây) mà viên tịch, đó cũng là vì chúng sinh vậy. Thầy làm sao hơn Đức Thích Tôn được!”
LỜI BẠT
Theo thiển ý của dịch giả, có thể nói Pháp Nhiên Thượng Nhân là người đầu tiên chỉ rõ chân diện mục của Tông Tịnh Độ, vạch ra một đường sáng cho tất cả những ai muốn thật sự liễu thoát sinh tử trong một đời. Điều đáng buồn là những lời dạy vàng ngọc nầy chưa hề được giới thiệu với người tu Tịnh Độ ở Việt Nam, dù rằng toàn bộ tác phẩm của Ngài đã được thâu nhập vào Đại Tạng Kinh qua bao thế kỷ.
Dịch giả xin nguyện rằng hễ ai được đọc pháp ngữ nầy đều phát khởi tha lực tín tâm, hoan hỷ Niệm Phật, tin sâu rằng mình đã được dự vào A Di Đà Bổn Nguyện Hải Hội và tương lai chắc chắn được sinh về cõi Cực Lạc bất thối chuyển.
Nam Mô A Di Đà Phật
Mùa đông năm 1997
Người dịch: Viên Thông Nguyễn Văn Nhàn