Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ
Trước khi giải kinh này, xin dùng năm nghĩa: Danh, Thể, Tông, Dụng, Giáo để phân định:
1- Thích Danh: Danh đề Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ, nếu nói theo tiếng Việt chính là: Lời Giải Kinh Phật Nói Quán Vô Lượng Thọ.
Về Lời Giải, phần sớ văn trong đây y theo nguyên tác của ba Ngài: Thiên Thai, Thiện Đạo, Nguyên Chiếu, bớt chổ phiền, lựa điểm yếu mà trích lục ra.
Kinh có nghĩa: Thường Pháp hay Khế Pháp. Thường Pháp là pháp chư Phật, thánh nhơn trong ba đời thường nói. Khế pháp là pháp ấy hợp với chân lý, thời tiết, nhân duyên, và căn tánh của chúng sanh.
Phật, nói cho đủ là Phật Đà, có nghĩa; giác ngộ. Sự giác ngộ này lại gồm 3 nghĩa: tự giác ngộ, giác ngộ cho người, và hạnh giác ngộ đã đầy đủ. Danh từ Phật trong đây chỉ cho đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. Kinh điển của thánh giáo, đại khái do năm bậc là: Phật, các Thánh đệ tử, Thiên Tiên, Quỷ Thần, và Hóa Nhơn nói ra. Trong đây gọi Phật nói là để giản biệt với bốn bậc kia, và chính đức Phật đã vì bà Vi Đề Hy cùng quyến thuộc, nói ra kinh này ở cung vua Tần Bà Sa La.
Quán nghĩa là soi. Người tuy theo lời Phật dạy, dùng trí huệ thanh tịnh cùng sức tín nguyện của mình soi rõ chính báo, y báo cõi Cực Lạc, gọi lá (Quán). Tịnh độ giáo có bốn pháp tu là: Quán Tướng, Quán tượng, Trì Danh và Thật Tướng. Kinh này phần chánh yếu dạy về Quán tưởng môn. Sự Quán tưởng trong đây có hai phần: Chánh báo và Y báo. Phần Chánh báo có hai: Chủ trang nghiêm và Thánh chúng trang nghiêm. Chủ trang nghiêm là đức Phật A Mi Đà. Thánh chúng trang nghiêm là hai vị Bồ Tát đó là Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chư thượng thiện hiện đang ở Cực Lạc, cùng hải chúng khắp mười phương sanh về. Phần y báo có ba: Địa hạ trang nghiêm, Địa thượng trang nghiêm, và Hư Không trang nghiêm. Địa hạ trang nghiêm là sự trang nghiêm ở dưới bảo địa cõi Cực Lạc, như tất cả tràng báu cùng ánh sáng chói suốt lẫn nhau. Địa thượng trang nghiêm là sự trang nghiêm nơi mặt đất, như bảo địa, bảo trì, bảo lâu, bảo thọ cùng các thứ câu lơn, đài báu… Hư Không trang nghiêm là sự trang nghiêm ở hư không, như hóa cầm, lâu các, lưới báu, linh ngọc, âm nhạc, gió, ánh sáng… Ba thứ trang nghiêm trên đây đều là thắng tướng nhiệm mầu nơi cõi Cực Lạc.
Vô Lượng Thọ là dịch âm của danh từ Phạn ngữ A Mi Đà (AMiTa) chỉ cho ý nghĩa: sự sống không lường. Câu Nam Mô A Mi Đà Phật, nếu phiên âm từng chữ theo Hán việt thì là: Quy mạng Vô Lượng Thọ Giác, tức chỉ cho ý nghĩa: (xin nương về đấng giác ngộ có sự sống không lường). Trong đây nói Quán Vô Lượng Thọ là mật ý muốn cử chánh báo để gồm y quả, thuật hóa chủ để kiêm đồ chúng: cho nên tuy nội dung có mười sáu pháp quán mà chỉ nói Phật là đã đầy đủ. Vì thế nên gọi: Phật nói Quán Vô Lượng Thọ.
2- Biện Thể: Thể là chủ chất. Thích Luận nói: (Trừ thật tướng của các pháp, ngoài ra tất cả đều là ma sự). Các kinh Đại thừa đều lấy thật tướng làm tâm ấn, dùng vô lượng công đức để trang nghiêm, vô lượng hạnh nguyện làm chỗ qui thú. Vậy kinh này lấy thật tướng làm thể.
3- Minh Tông: Tông có nghĩa là cội gốc, là nguồn mối: như ngôi nhà có kèo cột, chiếc áo có cái bâu. Do tông chỉ không đồng, nên giáo pháp có lớn nhỏ. Như các kinh tiểu thừa, tông chỉ phần nhiều đi về chổ siêu thoát, ba cõi, tu chứng nhơn không. Các kinh đại thừa, như kinh Duy Ma thì lấy Bất tư nghì giải thoát làm tông; Kinh Đại Bát Nhã làm không huệ làm tông. Kinh này lấy Quán Phật tam muội hay niệm Phật tam muội làm tông.
4- Thuyết Dụng: Dụng tức là lực dụng hay công đức của kinh. Các kinh hay khiến cho chúng sanh được sự trừ ác sanh thiện, nên gọi là lực dụng, là công đức. Nếu phân tích ra, thì công năng trừ ác gọi là (lực). Sanh thiện gọi là (Dụng); trừ ác gọi là (công), sanh thiện gọi là (đức). Kinh này hay khiến cho chúng hữu tình (Trừ được tội ngũ nghịch, vãng sanh về tịnh độ), nên nay lấy tiêu điểm ấy làm lực dụng của kinh.
5- Nhiếp Giáo: Kinh này thuộc về giáo pháp Đại thừa tên là Đại phương đẳng hay Đại phương quảng. Sao gọi là Đại phương quảng? Thám Huyền nghĩa ký bảo: (nói ra pháp rất rộng lớn sâu xa, nên gọi là phương quảng) (Tuyên thuyết quảng đại thậm thâm pháp cố, danh vi phương quảng). Về Tịnh độ giáo, vì muốn thích hợp với các căn cơ, nên đức Thế Tôn nói ra ba bổn kinh rộng lược không đồng. Hai bổn kia là kinh Phật Thuyết A Mi Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Riêng về bổn này, vào thời Nam Bắc triều, đời Tống Văn Đế, niên hiệu Nguyên Gia, ngài Cương Lương Gia Xá, đến Dương Châu dịch từ Phạn ngữ ra Hán văn. Và kinh này trong tám giáo nhiếp về đốn giáo, trong hai tạng thuộc về Bồ Tát tạng.
I- Phần Tự
Như thế tôi nghe, một thời Phật ở tại non Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá. Cùng với một ngàn hai trăm năm mươi bậc Đại tỳ khưu. Nơi chúng hội đây, lại có ba vạn hai ngàn vị Bồ tát, trong ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi pháp vương là bậc thượng thủ.
Đây là đoạn duyên khởi, trước tiên nêu ra 6 điểm để thành tựu cho toàn kinh. Sáu điểm ấy cũng gọi là Lục chủng thành tựu:
1- “Như thế” bao hàm ý nghĩa chứng tín. Thật tướng của các pháp xưa nay không dời đổi gọi là “Như”, đúng với lý chơn thật mà nói ra gọi là “Thế”. Lại Như Thế có nghĩa: Những lời sau đây hợp với lý như thật, và chính thuật giả là ngài A Nan đã thân nghe Phật nói đúng như vậy. Những lời ấy quyết định đáng tin. Đây gọi là điểm Tín thành tựu.
2- “Tôi nghe” là Ngài A Nan tự trần thuật chính mình đã nghe những lời sau đây từ nơi kim khẩu của Phật nói ra. Ngài là bậc đa văn đệ nhất, thọ trì lời của Phật nói như nước rót vào bình không sai một giọt, lại là thị gỉa thường hầu cận đức Thế Tôn. Ngài có bổn phận thừa truyền giáo pháp của Như Lai. Nghe thế nào thì thuật lại thế ấy, chớ không phải tự mình ức thuyết. Theo chân lý, tất cả pháp đều không, cái ta cũng là hư huyễn; nhưng trong đây nói “Tôi”, vì không có “Tôi” thì không ai “nghe”, và nếu không người nghe ai sẽ truyền giáo pháp của Phật ? Cho nên hai chữ “Tôi Nghe” chẳng qua là lời tùy thuận theo thế tục để truyền dương Phật Pháp vậy thôi. Điểm thứ hai này gọi là Văn thành tựu.
3- “Một thời”, chỉ cho thời gian phát khởi ra sự giáo hóa. Đức Như Lai nói kinh gồm rất nhiều thời gian, không tiện và khó nổi chỉ định ra, bởi thời tiết của mỗi địa phương có khi sai khác, nên gọi chung bằng lối giản tiện là “Một Thời”. Lại “Thời” còn ám chỉ cho thời tiết nhân duyên, nếu chúng sanh chưa đến thời tiết nhân duyên được nghe pháp ấy, mà Phật nói sớm ra thì họ khó được lợi ích. Và nếu thuyết pháp sớm hay muộn không hợp thời tiết nhân duyên, tất phạm nhằm lỗi thời đảo. Điểm thứ ba đây gọi là Thời thành tựu.
4- “Phật” là chỉ cho Đức Thích Ca Mâu Ni. Danh từ Phật ngoài ba nghĩa đã giải ở trên, còn có những nghĩa: Phá phiền não, Đại danh thinh, (Bà Dà Bà: danh tiếng lớn). Phật cùng các hàng Bồ Tát, Thinh Văn đều là những bậc giác ngộ, song sự giác ngộ của Phật viên mãn cứu cánh hơn cả, nên cũng gọi là Đại Giác. Sở dĩ nêu ra chữ “Phật”, vì trước khi nói kinh phải chỉ rõ ai là thuyết gỉa ,là vị hóa chủ của Đại chúng. Đây là điểm chủ thành tựu.
5- Tại non Kỳ Xà Quật, (Kỳ Xà Quật: GrdhraKùta). Trung Hoa dịch là Linh Thứu, “Thứu” là chim kên kên. Có thuyết cho rằng đầu núi nầy giống hình kên kên; thuyết khác lại bảo nơi phía Nam của núi thường có loài chim kên kên tụ hợp về tại rừng Thi Đà, vì thế mới gọi là Thứu Phong hay Thứu Lãnh. Còn về chữ “Linh” thì có thuyết nói nơi ngọn núi này thường có bậc tiên thánh y trụ, hoặc nhiều linh thoại (điềm lành) hiện ra, thuyết khác lại bảo là đại ý ám chỉ cho loài chim kên kên có tánh linh. Các thuyết trên đều có thể đều đúng cả, nhưng dù đúng hay không cũng chẳng mấy quan hệ, duy có điểm xác thật là khí hậu ở non Thứu quanh năm luôn luôn mát mẻ, nên đức Phật và các đệ tử thường hay tịnh dưỡng tại nơi đây.
6- “Thuộc thành Vương Xá” Vương Xá tiếng Phạn gọi là: La-Duyệt-Kỳ-Dà-La (Rajagrha), ý nghĩa chỉ cho chỗ cư xá của hàng vua chúa. Theo truyền thuyết, thì thuở xưa vua Quảng Xa được thần linh mách bảo rằng: muốn tìm nơi địa cảnh tốt thì nên du ngoạn ngoài thành, tất sẽ được gặp. Một hôm, nhân đi săn bắn vua đuổi theo con nai cùng chạy đến vùng núi Kỳ Xà Quật, thấy nơi đây phong quang thanh tú, có rừng cây cao tốt, hoa đẹp suối trong, mới di cư tới bản địa và kiến lập thành quách cung xá. Con cháu của vua kế thừa ý chí tổ phụ, đời đời vẫn định cư tại đây. Lại một truyền thuyết khác bảo: Thuở xưa nhân dân khi mới theo vua di cư vào thành ấy, nhà cửa người nào vừa cất xong cũng đều bỗng tự nhiên phát hỏa cháy tiêu tan cả, duy có cung thất của vua là không bị cháy. Dân chúng đem việc ấy tâu lên, vua bảo: “Từ đây về sau, nếu có ai cất nhà đều phải nói lớn lên: Tôi cất nhà này cho vua!” Mọi người y lời, quả nhiên nhà cửa không bị cháy. Do hai sự tích trên, thành này được mệnh danh là Vương Xá thì hóa độ hàng tại tục, lúc lên đỉnh Thứu sơn lại thuyết pháp cho chúng xuất gia. Hai địa điểm trên đều có liên quan đến phần thuyết giáo của bản kinh. Và đây là thuộc về điểm Xứ thành tựu.
7- “Cùng với một ngàn hai trăm năm mươi bậc Đại tỳ khưu”. Trong 1250 vị đây gồm có 1000 đệ tử của ba anh em ngài Ca Diếp và 250 đệ tử của hai ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên. Những người nầy là ban sơ là ngoại đạo thờ Lửa, khổ nhọc tu hành rất lâu mà không đắc qủa, đến khi gặp đức Như Lai mới được giải thoát. Do đó tất cả đều cảm thâm ân của Phật, nên thường theo làm kẻ tùy thị. “Tỳ Khưu” (Bhiksu), có nghĩa: Khất Sĩ, Bố Ma, Phá Ác, mà nghĩa khất sĩ đứng về phần chánh. Khất sĩ là kẻ trên xin giáo pháp của Phật để dưỡng huệ thân, dưới xin thức ăn của đàn việt để dưỡng nhục thân. Trước danh từ Tỳ Khưu có thêm chữ “Đại” là để tỏ ý khen ngợi đức hạnh của các vị ấy siêu việc lớn lao. nếu theo nguyên văn chữ Phạn thì phải gọi Ma Ha Tỳ Khưu; “Ma Ha” Trung Hoa dịch gồm ba nghĩa là: Đại, Đa, Thắng, nay duy lấy nghĩa “Đại” để hàm nhiếp hai nghĩa kia.
“Nơi chúng hội đây, lại có ba vạn hai ngàn vị Bồ tát, trong ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi pháp vương là bậc thượng thủ.” Bồ Tát gọi cho đủ là Bồ đề tát đỏa (Bodhisattva), Trung Hoa dịch: Giác hữu tình hay Hữu tình giác. Hai danh từ này có nghĩa: tuy giác ngộ mà còn có tình thức, tuy còn có tình thức song đã giác ngộ. Văn Thù Sư Lợi (Manjusri), Trung Hoa dịch là Diệu Đức hay Diệu Kiết Tường. Pháp vương tử, nói đơn giản là nghĩa: con của đấng Pháp Vương. Nếu giải thích rộng ra, thì vị nào từ nơi chánh pháp mà hóa sanh, sẽ nối ngôi Đại giác để làm thạnh cho dòng giống Phật, mới được gọi là Pháp vương tử. Vậy Pháp vương tử là bậc Bổ xứ Bồ tát sẽ nối ngôi Phật, như Thái tử là vị sẽ nối ngôi vua. Nếu luận về chí nguyện, phải để Bồ tát đứng trước, nay chỉ lấy phần oai nghi nên trước tiên trần thuật hàng Thanh văn. Thượng thủ là người cầm đầu, vị lãnh đạo của một số chúng. Hai đoạn kinh trên đã lược kể số chúng trong pháp hội. Điểm sau cùng nầy gọi là Chúng thành tựu.
Tóm lại sáu đoạn hay sáu điểm mệnh danh lục chủng thành tựu hoặc lục chủng chứng tín trên, đã dự phần bố trí hệ thống của toàn kinh và biện chứng để dẫn khởi lòng tin tưởng cho người học Phật với một ý thú nhiệm mầu.
Bấy giờ trong Vương Xá đại thành có vị Thái tử tên là A Xà Thế, nghe theo lời xúi giục của ông bạn ác Điều Đạt, bắt vua cha là Tần Bà Sa La giam trong ngục kín dầy đến bảy lớp cửa, Thái tử lại ra lịnh cấm các quan, không cho một ai được đến thăm.
Đây mới là điểm chánh thức đi vào duyên khởi của bản kinh. Điểm nầy đại khái trần thuật: do Thái tử A Xà Thế làm điều bạo nghịch, Quốc Thái phu nhơn Vi Đề Hy mới bạch với Phật cầu xin được thoát ly miền ác trược về cõi an lành. Nói Vương Xá đại thành, vì thành nầy rất rộng lớn, gồm có đến chín ức cư dân. A Xà Thế (Ajatasatru), Trung Hoa dịch là Vị sanh oán hay Chiết Chỉ. Vị sanh oán là mối oán hận lúc chưa sanh ra, Chiết Chỉ là ngón tay gãy. Sự tích nầy hơi dài, xin thuật qua đại lược: Nguyên trước kia vua Tần Bà Sa La kém bề tử tức, đi lễ thần khắp các nơi song cũng không sanh được con. Một hôm có vị tướng sư đến tâu rằng: – núi Tỳ phú la có bậc tiên nhơn đạo đức, sau ba năm sẽ xả mạng và thác sanh làm con của vua. Tần Bà Sa La vương vì lớn tuổi muốn có con gấp, sau đôi ba phen cầu thỉnh tiên nhơn xả thân mà không được, mới dặn sứ giết ông đi để cho mình có con sớm. Trước khi chết tiên nhơn có phát nguyện: “Ngày nay vua dùng tâm và miệng sai ngưới giết tôi, nếu tôi sanh làm con vua, cũng sẽ dùng tâm và miệng sai mgười giết vua”. Hôm tiên nhơn chết, đêm đó hoàng hậu cảm giác mình có thai. Lúc bà sắp tới ngày sanh, vua cho người mời danh sư trong nước xem tướng. Các tướng sư đều bảo: “Đứa bé sẽ sanh là con trai, nhưng vì có mối oán hờn đối với bệ hạ, sợ e ngày sau tất làm tổn thương đến thánh thể”. Vua nghe nói sợ hãi dặn cung nữ: khi hoàng hậu lâm bồn, đừng đỡ đứa bé, để nó rớt xuống đất cho chết. Vì oan trái chưa trả xong, đứa bé tuy ở chỗ cao rớt xuống nhưng không chết, chỉ bị gẫy ngón tay út mà thôi. Do đó khi lớn lên Thái tử A Xà Thế có tật nơi ngón tay út. Danh từ Vị Sanh Oán hay Chiết Chỉ phát xuất bởi gốc tích trên.
Điều Đạt tức là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta – Thiên Nhiệt) Con Học Phạn Vương, em nhà chú của Phật, anh ruột ngài A Nan (theo kinh Phật thuyết Thập Nhị Du thì Điều Đạt và A Nan đều là con của Cam Lộ Tịnh Vương) Điều Đạt lúc còn tại tục tánh người vốn hung mãnh, đến khi xuất gia nết cũ vẫn không chừa. Ông tuy học thông nội điển và các kinh sách của ngoại giáo, song tâm không hợp với Đạo, thấy Phật được nhiều người cúng dường liền sanh lòng tật đố. Một hôm Điều Đạt đến chổ Phật cầu xin học pháp thần thông. Đức Thế Tôn không nhận lời, duy bảo: “Ông nên quán lý vô thường, tất sẽ đắc đạo và tự có thần thông”. Không được mãn nguyện, ông lại đến cầu hai tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền liên về việc ấy. Hai Ngài cũng bảo: “Đại đức nên quán về Tứ Niệm Xứ, không cần học thần thông làm chi”. Sau cùng ông đến gạn hỏi ngài A Nan. Tôn giả A Nan tuy chứng sơ quả song chưa đắc tha tâm thông, biết được thâm ý của anh mình, liền đem Điều Đạt đến chổ vắng lặng trước tiên dạy về phép bay. Người muốn học bay phải ngồi kiết dà giữ tâm cho yên tỉnh, tưởng thân lay động, kế tưởng thân nhắc lên khỏi mặt đất một phân, một tấc, một thước, một trượng, khỏi mái nhà rồi lần lần bay lên cao. Xong, lại nhiếp tâm tưởng thân lần lần hạ thấp xuống bản tòa. Sau đó dùng thân cử tâm, kế lại thân tâm đều cử, mổi phiên từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp y như trước. Cứ theo ba nguyên tắc ấy mà xoay vần tập luyện cho thuần thục, tự sẽ có kết qủa. Ngài A Nan lại tiếp tục dạy cho Điều Đạt phương pháp tưởng bay đi, tưởng thân tâm vào trong tất cả sắc chất. Kế đó tưởng các sắc chất như non, sông, đất liền vào trong thân mình, như hư không vô ngại. Lại tưởng tự thân lớn ra đầy khắp hư không, ngồi nằm tự tại, đưa tay lay động mặt trời mặt trăng. Hoặc tưởng thân rút nhỏ lại, chui vào hạt bụi. Điểm cần yếu trong phép tưởng là nhận định các sắc chất đều như huyễn, tất cả vô ngại. Khi ngài A Nan tuần tự y theo phương pháp chỉ dạy xong, Điều Đạt nhất nhất đều ghi nhớ, rồi tìm chỗ thật thanh vắng tu luyện, không bao lâu ông được phép thần thông.
Sau khi đắc thần thông, Điều Đạt liền đi đến cung điện của Thái tử A Xà Thế hiện ra nhiều cách biến hóa khiến cho đông cung sanh lòng tin tưởng, kính trọng, cúng dường rất hậu. Đã thâu phục được Thái tử, một hôm ông lại đi đến chổ Phật thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! nay ngài tuổi tác đã cao, xin đem đồ chúng và pháp tạng phú chúc lại cho tôi, để an dưỡng lúc suy già”. Đại chúng nghe ông nói lời ấy đều kinh ngạc, nhìn ngó lẫn nhau. Đức Phật mỉm cười bảo: “Như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có thể gọi là bậc đại pháp tướng mà ta không còn đem chánh pháp phú chúc, huống chi ông là kẻ ngu si ư?”. Bị mất mặt trước đại chúng, Điều Đạt đem lòng oán hận liền đến cung Thái tử A Xà Thế. Đông cung thấy ông đi đến, cung kính đón tiếp và hỏi rằng: “Chẳng hay tôn giả quang lâm có việc chi, mà xem nhan sắc không được vui?”. Ông đáp: “Tôi cùng Thái tử tuy quen thân chưa được bao lâu, mà đối xử như tình chí thiết. Hôm nay tôi có vẽ lo lắng, chẳng qua cũng vì ngài đó thôi!” Thái tử vội hỏi duyên cớ. Điều Đạt bảo: “Tôi xem ý đức vua đối với thái tử không được ân hậu. Sở dĩ ngón tay út của Thái tử bị tật là do khi ngài mới sanh ra, vua đã âm mưu cố ý để cho tôn thể rớt từ trên cao xuống đất. Nếu ngài không có phước đức thì lúc ấy mạng căn đã tuyệt, đâu còn sống đến ngày nay? Hiện giờ đức vua đã già, Sa môn Cù Đàm cũng đã lớn tuổi không còn đương nổi trách nhiệm nữa. Vậy chúng ta nên tìm cách phế trừ hai người đó, để Thái tử sẽ làm tân vương, phần tôi thì làm tân Phật, chẳng hay tôn ý thế nào?” Do oan nghiệp đời trước, Thái tử A Xà Thế nghe xong liền nổi giận y theo lời. Từ đó, Đề Bà Đạt Đa lo vận động kéo một nhóm tăng lữ về phe mình, tự chế ra giới luật mới, và âm mưu hại Phật nhiều phen, song kết cuộc đều thất bại, bị sanh đọa địa ngục. Phần A Xà Thế thì làm điều nghịch đạo bắt giam vua cha cho đến chết.
Tần Bà Sa La (Bimbisara), Trung Hoa dịch là Mô Thật hay Kiên Ảnh. Hai danh từ nầy chỉ cho nghĩa: Người có hình vóc mạnh khỏe chắc chắn.
Trên đây đã giải thích về nguyên ủy của đoạn chánh văn: “nghe theo lời xúi giục của ông bạn ác Điều Đạt, bắt vua cha là Tần Bà Sa La giam trong ngục kín dày đến bảy lớp cửa”.
Quốc Thái phu nhân là Vi Đề Hy, vì mến tưởng vua, bà lo nghĩ phương chước cứu giúp. Bà tắm gội sạnh sẽ, lấy bột nhồi với sữa và mật thoa dính nơi thân, đổ đầy nước trái nho vào các hạt chuổi Anh Lạc, rồi lén đem các thức ấy dâng cho vua. Tần Bà Sa La vương thọ dụng thức ăn uống xong, xin nước xúc miệng rửa mặt, đoạn chắp tay hướng về núi Kỳ Xà Quật kính l Đúc Thế Tôn và thưa rằng: “Ngài Đại Mục Kiền Liên là bạn thân của tôi, xin khởi lòng từ bi truyền cho tôi giới Bát Quan Trai”.
Quốc Thái phu nhân là người có địa vị tối cao trong nước. Vi Đề Hy (Vaidehi), Trung Hoa dịch là Tư Duy hoặc là Thắng Diệu Thân, chỉ cho người có sắc thân xinh đẹp và hay lo lắng quán xuyến mọi việc. Bà Vi Đề Hy là chánh hậu của vua Tần Bà Sa La, mẹ của Thái tử A Xà Thế. Thái tử cấm quần thần không cho vào thăm vua, mà chẳng ngăn cản mẹ, vì bà là người tối thân, lại thuộc về hàng phụ nữ, chắc không đến nổi có mưu biến gì, nên chẳng mấy lưu tâm. Bà Vi Đề Hy muốn dâng thức ăn cho vua mà phải làm như thế, vì sợ Thái tử để ý rồi phát giác ra được.
Đại Mục Kiền Liên (Moggalli), Trung Hoa dịch là Thái Thúc Thị; vì ngài nguyên dòng dõi của một vị tu tiên trong núi, sống bằng đậu và bắp. Ngài là vị đệ tử thường hầu bên hữu của Phật. Trong tiền kiếp, Mục Kiền Liên cạo tóc và may áo ca sa cho một vị Bích Chi Phật, nguyện đắc thần thông, nên khi Phật ra đời ngài được khen là bậc A La hán thần thông đệ nhất. Bát Quan Trai, “Bát” là tám giới: Không sát sanh; không trộm cắp; không dâm dục; không nói vọng; không uống rượu; không trang điểm; không tự ca múa trổi âm nhạc và cố ý xem nghe; không ngồi nằm giường cao rộng sang đẹp. “Quan” có nghĩa là ngăn đóng, vì tám giới ấy hay ngăn đóng các cửa ác nghiệp nên gọi là “Bát Quan”. “Trai” có nghĩa trung, là ăn giữa ngày, không được quá ngọ. Tám điều trên duy có nghĩa “giới” không gồm nghĩa “trai”, điều sau kiêm cả hai nghĩa “giới, trai”, vì thế nên không gọi cửu giới mà gọi “Bát Quan Trai”. Những giới này công dụng rất vi tế, chỉ có Phật mới thân chứng. Tại sao thế? Vì chư Phật mới dứt phiền não và tập khí, ngoài ra từ ngôi đại giác trở xuống, phiền hoặc tuy đoạn song tập khí vẫn còn. Vì muốn cho hàng tại gia gieo hạt giống giải thoát, nên Phật mới chế ra giới bát quan trai để họ thọ trì trong một ngày đêm giữ đúng giới này, công đức vượt hơn hàng nhơn thiên rất nhiều.
Khi ấy ngài Mục Kiền Liên biết được, liền bay đến chổ Tần Bà Sa La Vương lẹ như chim ó, chim cắt; mỗi ngày truyền giới Bát Quan Trai cho vua. Đức Thế Tôn cũng sai tôn giả Phú Lâu Na vì vua thuyết pháp. Như thế trải qua hai mươi mốt ngày, nhờ được ăn uống và nghe pháp, nên dung sắc vua hòa nhã tươi vui.
Ngài Mục Kiền Liên đã được lục thông, nghe thấy và biết sự cầu thỉnh của vua, nên dùng sức thần túc trong khoảnh khắc hiện đến chỗ cấm ngục. Tướng thần túc này rất mầu nhiệm, vì e người đời không biết nên trong kinh mới thí dụ là lẹ như chim ó, chim cắt. Thật ra sức thần thông của tôn giả Mục Kiền Liên có thể trong một niệm đi quanh bốn đại bộ châu trăm ngàn vòng đâu phải tầm thường như chim ó, chim cắt ư? Giới bát quan trai chỉ hạn cuộc trong một ngày đêm, nên mãn kỳ phải truyền lại. Mỗi ngày vua đều thọ giới, vì không biết Thái tử A Xà thế sẽ sai người đến giết lúc nào, nên chí thành tịnh niệm giữ giới từng ngày, giờ, phút, cho tăng phần công đức.
Phú Lâu Na (Pùrna), Trung Hoa dịch Mãn Nguyện Tử hay Mã Từ Tử, vị đệ tử thuyết pháp bậc nhất của đức Phật. Đức Thế Tôn vì thương xót Tần Bà Sa La Vương, nên sai tôn giả Phú Lâu Na đến thuyết pháp làm cho vua hiểu rõ nhân qủa, đạo lý, dứt mối sầu khổ ưu phiền. Qua hai mươi mốt ngày mà vua vẫn vui vẽ bình yên vì được hoàng hậu săn sóc về phần thể chất và hai tôn giả an ủi về phần tinh thần.
Lúc đó A Xà Thế đến hỏi người giữ cửa rằng: Phụ vương ta hôm nay còn sống chăng? Viên thủ ngục đáp: “Tâu đại vương! do Quốc Thái phu nhân thoa bột với mật vào thân và đựng nước trái nho trong hạt chuỗi đem cung phụng; lại có hai Sa môn là Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na bay đến truyền giới thuyết pháp không thể ngăn cấm, nên hiện tại đức vua vẫn bình yên”. A Xà Thế nghe xong, nổi giận bảo: “Mẹ ta là giặc vì đã làm bạn với kẻ giặc. Bọn Sa môn kia là hạn người xấu, dùng chú thuật làm cho tên ác vương ấy nhiều ngày không chết!” Nói đoạn, rút gươm muốn đến giết mẹ.
Đang khi ấy, có hai vị đại thần thông minh tài trí là Nguyệt Quang, Kỳ Bà, thấy thế vội qùy xuống làm lễ và can gián rằng: “Tâu đại vương! chúng tôi nghe trong kinh Tỳ Đà La nói từ thuở kiếp sơ đến nay những ác vương tham ngôi báu mà giết hại cha, có một vạn tám ngàn người; song chưa từng nghe có ông vua nào giết mẹ. Nay nếu đại vương làm việc ác nghịch trái đạo này, tức là để vết nhơ cho dòng giống Sát Đế Lỵ, nào khác gì hạng Chiên Đà La. Bọn thần không nỡ ở lại trông nhìn cảnh tượng ấy, vậy xin từ nay bái biệt!” Nói xong đứng lên đưa tay đè chuôi gươm rồi thối lui quay đi.
Vi Đề Hy phu nhơn dù có hành vi kín đáo, song lâu ngày cũng khó che dấu được. Viên thủ ngục vì muốn chạy tội cho mình, phải đem sự thật mà thưa ra. A Xà Thế đã hờn vì mẹ lén đem thức ăn cho vua cha, lại nói nghe hai vị tôn giả dùmg phép thần thông tự do tới lui trong ngục thất, nên càng thêm giận, mới có lời vô ý thức: “các thầy Sa môn là hạng chuyên dùng chú thuật để huyễn hoặc người, làm cho tên ác vương ấy nhiều ngày không chết”.
“Nguyệt Quang” là Hoa ngôn, chỉ cho người trí huệ sáng suốt như ánh trăng. “Kỳ Bà” là phạn ngữ, Trung Hoa dịch: Cố Hoạt, vì trước kia ông từng phát nguyện sẽ trở thành vị lương y cứu sống mọi người, nên tùy nơi đức mà lập danh. Tương truyền khi Kỳ Bà mới sanh ra một tay cầm đãy thuốc, một tay cầm ống kim. Ông cũng là con của vua Tần Bà Sa La, thân mẫu là Yêm La Nữ (Nại nữ), thấy anh muốn làm điều bội nghịch, nên cùng Nguyệt Quang cùng đến can ngăn. Tỳ Đà La (Vetàla), một bộ loại về chú thuật trong kinh điển Phệ Đà. Kiếp sơ là thuở thế giới vừa thành lập, mới có loài người ở. Sát Đế Lỵ (Ksatriya) là giai cấp vua chúa, Chiên đà la hoặc Thủ đà la (Sùdra) là giai cấp tiện dân, hai dòng giống sang hèn theo thế tập bên xứ Ấn Độ. Trước cảnh tượng người từ mẫu chắp tay cuối đầu run sợ chờ chết, đứa con bất hiếu hung hăng cầm gươm muốn chém đâm, quả thật bất nhẫn và đau lòng, nên hai vị đại thần cương quyết can ngăn, là vì không nỡ thấy điều vô đạo ấy. Đưa tay đè chuôi gươm rồi thối lui quay đi là cử chỉ thị oai khiến cho A Xà Thế kinh sợ, và tỏ ý quyết liệt.
A Xà Thế nghe qua kinh sợ bảo: “Các ông không vì ta sao?” Kỳ Bà thưa: “nếu đại vương muốn cho chúng tôi ở lại giúp đở, xin đừng giết hại Quốc Thái”. A Xà Thế nghe nói, tỏ vẻ ăn năn vội cất gươm bỏ ý nghĩ giết mẹ, sai nội quan cầm Quốc Thái phu nhơn trong thâm cung, không cho ra ngoài nữa.
Câu nói: “Các ông không vì ta sao?” là A Xà Thế sợ hiền thần bỏ đi, quốc vận nguy khốn, lại e hai người ấy vốn bậc tài trí không biết có mưu đồ gì cứu thoát vua Tần Bà Sa La mà lật ngược cuộc diện lại chăng? Sự kinh sợ của ông cũng hữu lý và thiết thật. Câu hỏi của thế vương hàm nhiều ẩn nghĩa, lời đáp của Kỳ Bà lại thẳng thắng nói rõ ra, cũng là ý can gián lần thứ hai. A Xà Thế tuy nhận lời khuyên can, tỏ sắc ăn năn tra gươm vào song lại bảo nội quan giam cầm mẹ, là mối dư hận của ông đối với thân mẫu hãy còn. Kỳ thật nếu ông ra lệnh giam cầm Vi Đề Hy phu nhơn, duy bảo quan quân giữ chặt nơi ngục giam vua cha, thì bà cũng không có phương tiện nào giúp đỡ Tần bà Sa la vương được.
Vi Đề Hy bị u cấm, sầu lo tiều tụy, xa trông về non Kỳ xà quật đảnh lễ Phật và bạch rằng: “Đức Như Lai Thế Tôn! lúc trước Ngài thường bảo hiền giả A Nan đến thăm viếng và khuyên dạy con. Nay con có việc lo buồn, không làm sao còn được thấy oai nghi trang trọng của đấng Thiên Nhơn Sư nữa! Xin Đức Thế Tôn thương xót cho hai vị tôn giả Mục Liên, A Nan đến dạy dỗ con”. Bạch xong lời ấy, bà thương khóc nước mắt rơi xuống như mưa, hướng về chỗ Phật thường ngự, cúi đầu đảnh lễ.
A Nan (Ananda), Trung Hoa dịch là Khánh Hỉ hoặc vô nhim, vị hiền giả thường hầu cận Đức Phật. Ngài A Nan được đức Phật thường nhận lời cầu thỉnh, sai đến thăm viếng khuyên dạy vua và quốc hậu nước Ma kiệt Đà, vì sự hoằng pháp độ người cần phải nhờ bậc có quyền thế, tuy Như Lai là đấng chí thánh cũng chiều thuận theo thường tình để làm mô phạm cho đời sau. Bởi tự thân ở nơi thâm cung, nên bà Vi Đề Hy không dám thỉnh Phật, mà chỉ xin mời hai vị tôn giả. Trong hai ngài, Mục Liên là thầy của Bà, A Nan là vị đại đức thường lui tới quen thân, nên mới có sự cầu thỉnh ấy. Trước đã lạy rồi, sau còn đảnh lễ, là Quốc Thái phu nhân tỏ ý thành khẩn ân cần.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang ở núi Kỳ Xà Quật biết rõ tâm niệm bà Vi Đề Hy, liền bảo hai tôn giả Mục Kiền Liên, A Nan theo lời yêu thỉnh bay đến cấm thất. Và chính Ngài cũng ẩn thân tại núi Kỳ Xà Quật, hiện ra nơi vương cung. Khi bà Vi Đề Hy lễ xuống vừa nguớc đầu lên, đã thấy Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ngồi trên toà sen bá bảo, thân sắc tử kim rực rỡ bên tả có Mục Liên, bên hữu có A Nan đồng đứng hầu. Trên hư không, các Phạm Vương, Đế Thích và hộ thế chư thiên mưa nhiều thứ hoa đẹp ở cõi trời phơi phới bay xuống để cúng dường Phật.
Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) Trung Hoa dịch Năng Nhân Tịch Mặc, bậc có tâm nhân từ và chứng được giác tánh vắng lặng. Danh hiệu nầy tiêu biểu cho hai đức Bi Trí, cũng hàm nghĩa Ứng thân, Pháp thân. Đức Phật dùng phép thần thông ẩn nơi đây, hiện nơi kia theo cổ thích, có ba ý nghĩa:
1- Đức Thế Tôn là đấng cha lành trong tam giới, hiện thân của đức từ bi, vì muốn hộ trì tâm niệm của vua A Xà Thế, nên không tự đi đến ngục thất, e ông thấy mà khởi lòng sân hận.
2- Vì muốn lưu hành chánh pháp, phải nhờ cậy người quyền thế, nên không muốn làm mất lòng một vị quốc vương.
3- Vì tiêu biểu địa vị và sức thần thông của Đức Như Lai cao siêu hơn hàng Thinh Văn, Duyên Giác, Phạm Vương là vị vua của cõi trời Phạm Thiên (Brahmadeva), danh từ này cũng chỉ chung cho chư Thiên đã thành tựu Phạm hạnh ở cõi Sắc giới. “Phạm” có nghĩa là “trong sạch”, vì chư thiên đã ở đó đã xa lìa sự dục nhiễm. Đế Thích tức Thích Đề Hoàn Nhân; gọi cho đủ là Thích Ca Đề Bà Nhân Đà La (Sakradevànam-Indra), Trung Hoa dịch là Năng Thiên Chủ. Đây là vị chúa tể ba mươi ba Thiên Quốc ở cõi Đao Lợi. “Hộ Thể” là chỉ cho Tứ Thiên Vương. “Chư Thiên” là nói chung cõi trời ở hai cõi Dục và Sắc. Thiên chúng thấy Phật ẩn thân tại Kỳ Xà Quật, hiện ra nơi vương cung, nghĩ rằng: Đức Thế Tôn tất sắp nói Pháp hy kỳ, mình sẽ nhân bà Vi Đề Hy mà được sự lợi ích chưa từng nghe, nên đồng đến phụng thị mà mưa hoa cúng dường.
Vi Đề Hy phu nhân thấy Đức Thế Tôn, liền tự bứt chuổi Anh Lạc đeo nơi thân, gieo mình phủ phục xuống đất, khóc lóc và thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn ! Kiếp trước con có tội chi nay sanh ra đứa con ác này. Và Đức Như Lai lại có nhân duyên gì, mà cùng với Đề Bà Đạt Đa đồng làm quyến thuộc? Cúi xin Đức Thế Tôn vì con giảng giải rộng những cõi nào không còn lo buồn khổ lụy để con được vãng sanh về đó. Hiện nay con rất nhàm chán cõi Diêm Phù Đề nhơ khổ, bởi cõi này dẫy đầy chúng điạ ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, cùng nhiều điều lỗi lầm xấu ác. Con nguyện kiếp sau không còn thấy người dữ, không còn nghe tiếng ác nữa ! Nay con gieo năm vóc trước Đức Thế Tôn, tha thiết cầu xin sám hối ! Nguyện đấng đại từ soi ánh huệ nhật, chỉ dạy cho con phép quán để sanh về chỗ nghiệp lành thanh tịnh.
Vi Đề Hy phu nhân khi thấy Phật liền bứt chuỗi ngọc, vì bậc vương hầu như bà duy sang cả đối với hạng thần dân, sánh với đấng Đại Giác còn vô cùng thấp kém: hành động đó làm biểu lộ: trước Đức Thế Tôn mình chỉ là kẻ phàm phu đầy tội lỗi, không có chi đáng tôn trọng. Lại sự trang sức đối với thế gian, là nghiệp tham nhiễm, trước đấng giác ngộ trong lành, bà cảm thấy hổ thẹn nên vội bức chuỗi Anh Lạc. Câu; “Kiếp trước con có tội chi…” là phu nhơn đã nhận rõ cõi đời dẫy đầy tội ác, tự nghĩ mình là người thế tục lỗi lầm vương vào cảnh con mưu giết mẹ đã đành, đến chư Phật là bậc chí thiện tại sao còn bị Đề Bà Đạt Đa nhiều phen ám hại? Câu hỏi của bà không ngoài ý niệm tỏ ra chán nản cõi đời ác trược, để làm nhân phát khởi lời thỉnh vấn sau là cầu xin đức Thế Tôn chỉ điểm quốc độ an lành và phương pháp vãng sanh để cho mìmh tu tập.
Diêm Phù Đề (Jambudvipa), Trung Hoa dịch là Thắng Kim, vì phía bắc châu này có thứ cây Diêm Phù, dưới cây ấy có chất vàng rất qúy tên Diêm Phù Na Đàn. Đây là lấy tên cây để lập danh xứ sở. Một thuyết khác nói cây Diêm Phù ở mé biển phía bắc của châu Nam Thiện Bộ. Dưới đáy biểc có chất vàng Diêm Phù Na Đàn chói lên làm cho nước biển và cây ánh ra sắc vàng rực rỡ. Năm vóc cũng gọi là ngũ thể hay ngũ luân tức là đầu và tứ chi. Sám hối là danh từ do tiếng Phạn và Hoa kết hợp. “Sám” gọi cho đủ là Sám ma, Trung Hoa dịch là “hối vãn” có nghĩa la ăn năn lỗi trước, đây là Phạn ngữ. “Hối” ý nghĩa cũng như “sám”, thuộc về Hoa âm. Bà Vi Đề Hy xét nghĩ Tịnh Độ là cõi sạch lành, e mình nhiều nghiệp chướng khó được duyên nghe pháp và vãng sanh, nên đã thành khẩn thỉnh cầu còn tha thiết sám hối để cho tiêu nghiệp. Pháp của Đức Phật nói từ nơi trí huệ chân thật phát sanh, có thể phá tan màn vô minh phiền não, nên gọi là huệ nhật. Đây là danh từ nêu cả pháp và dụ. Câu “chỉ dạy cho con phép quán…” là bà Vi Đề Hy muốn biểu lộ là mình đã nhàm chán cõi nhơ ác, không còn luyến tưởng đến kẻ thân sơ, có thể an tâm dứt muôn duyên để quán niệm cảnh thanh tịnh. Trước phu nhân đã thỉnh cầu Phật chỉ bày cõi an lành, sau lại hỏi về phương cách vãng sanh. Phần tự trần thuật nhân duyên khải phát đến đây đã xong. Kế sau là đoạn chánh thức của kinh này, Đức Phật sẽ vì bà Vi Đề Hy chỉ dạy rõ pháp thức tu tập.